Chủ tịch CĐCS bị ép ra ngồi ngoài trời
Trong suốt 1 tháng qua, bà Nguyễn Thị Nga - cán bộ nhân sự và là Chủ tịch CĐCS Công ty (Cty) TNHH KwangJin Wintec VietNam (khu phố Ông Đông, phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) phải đến Cty trong tâm lý mệt mỏi và căng thẳng. Mâu thuẫn với giới chủ bắt đầu phát sinh từ đầu tháng 10.2020, khi tổng giám đốc (TGĐ) Cty bất ngờ yêu cầu bà chuyển qua làm tạp vụ và trưởng phòng nhân sự bắt ra chà hàng rào. Do không đồng ý những yêu cầu bất hợp lý trên, bà Nga tiếp tục bị ép ra ngồi ngoài trời và không được giao việc làm.
Không dừng lại ở đó, TGĐ Cty này còn có dấu hiệu can thiệp vào hoạt động của CĐCS: Kiểm tra quỹ, thu chi của CĐCS, triệu tập các thành viên trong Ban chấp hành (BCH) CĐ lên họp nhưng không có mặt chủ tịch CĐCS. Ngày 16.10, TGĐ Cty gọi bà Nga vào và nói không công nhận bà Nga là Chủ tịch CĐ và yêu cầu bà trả lại các giấy tờ CĐ. Những hành động này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần, sức khỏe và danh dự của nữ Chủ tịch CĐ.
Ngày 26.10, LĐLĐ thị xã Tân Uyên cùng đơn vị đã làm việc với TGĐ Cty này và đề nghị Cty đảm bảo việc làm cho người lao động (NLĐ) theo hợp đồng, đồng thời, không can thiệp trái pháp luật vào các hoạt động của CĐCS. Ngày 4.11, LĐLĐ thị xã Tân Uyên tiếp tục có văn bản đề nghị Cty này không phân biệt đối xử với NLĐ, không áp dụng các hình thức kỷ luật trái quy định và thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với CĐ; bố trí việc làm cho bà Nga theo hợp đồng và tạo điều kiện cho bà Nga thực hiện nhiệm vụ của chủ tịch CĐCS.
Đến nay, tổ chức CĐ tại tỉnh Bình Dương cùng cơ quan chức năng đang tiếp tục thực hiện các bước pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho bà Nga.
Cán bộ Công đoàn phải chuyển việc vì sức ép
Anh T là nguyên Chủ tịch CĐCS của một Cty FDI chuyên sản xuất tai nghe, linh kiện điện tử tại Hà Nam. Gần 4 năm làm Chủ tịch CĐ tại Cty này, vì quan điểm khác với lãnh đạo trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ cũng như sự can thiệp quá mức của lãnh đạo vào hoạt động CĐ đã khiến anh và chủ doanh nghiệp nảy sinh mâu thuẫn.
Anh T nhớ lại, khi gần hết hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 1 năm lần thứ 2, Cty muốn thanh lý hợp đồng với anh. “Lý do mà Cty đưa ra là tôi không hoàn thành công việc. Điều này không thuyết phục. Nguyên nhân của sự việc này liên quan đến hoạt động CĐ” - anh T nói. Theo anh T, lãnh đạo Cty không thích một người đang làm ở Cty nhưng lại đấu tranh cho quyền lợi của công nhân.
Anh T kể trường hợp một nhân viên văn phòng bị Cty điều xuống làm CN. Nhận thấy sự việc có dấu hiệu vi phạm luật lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, anh đã lên trực tiếp giải thích với lãnh đạo Cty. Cty đưa ra lý do đang gặp khó khăn nên điều điều chuyển NLĐ trong vòng 1 tháng, sau đó lại đưa NLĐ này trở về vị trí cũ.
Thêm 1 lần có thể anh T đã làm mếch lòng lãnh đạo doanh nghiệp là khi anh đề nghị mức thưởng Tết khác với chủ trương của lãnh đạo. Xuất phát từ những quan điểm không “đồng dạng” với Cty trong chăm lo cho NLĐ, qua thời gian dần bào mòn mối quan hệ của anh với lãnh đạo. Không chỉ vậy, mâu thuẫn còn gia tăng khi Cty can thiệp quá mức vào hoạt động CĐ.
“Vấn đề chi kinh phí CĐ đều có sự can thiệp của Cty. Mỗi lần CĐ định chi khoản nào đó, lãnh đạo sẽ hỏi: Ai đã duyệt cho mà đã chi; muốn chi phải thông qua giám đốc. Tôi có phản ứng rằng Chủ tịch CĐCS chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chi, chứ không phải xin, thông qua ban giám đốc” - anh T kể.
Khi Cty muốn thanh lý hợp đồng với anh T sai luật, CĐ các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hà Nam đã vào cuộc kịp thời để bảo vệ quyền lợi của anh. Anh tiếp tục làm ở Cty 2 năm nữa, rồi sau đó chủ động thôi việc. Hiện nay, anh đang làm ở một Cty khác và đang giữ chức Phó Chủ tịch CĐ.
Nữ cán bộ bảo vệ quyền lợi cho 90 công nhân
Tại tỉnh Bình Phước, có một nữ cán bộ CĐ chuyên trách được đoàn viên quý mến vì đã đã phối hợp với Chủ tịch CĐCS luôn bảo vệ được quyền lợi và chăm lo tốt đời sống cho hơn 3.000 NLĐ. Đó là bà Trần Thị Toan - cán bộ CĐ chuyên trách, Trưởng Ban Nữ công CĐ Cty New Apparel Far Eastern Việt Nam (KCN Bắc Đồng Phú, tỉnh Bình Phước).
Tháng 6.2020 xảy ra tranh chấp lao động tại một Cty sản xuất giường tủ, bàn ghế trong KCN Bắc Đồng Phú. Hơn 90 CN làm việc tại đây gần 1 năm nhưng không được ký HĐLĐ, không được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và phải làm việc trong môi trường đầy căng thẳng: Cty chưa xây dựng nội quy lao động, nếu làm sai NLĐ có thể cho nghỉ việc ngay lập tức; không tăng ca bị trừ lương; CN ăn cơm phải ra ngoài và không có chỗ nghỉ trưa...
Trước sự việc trên, 1 CN từng làm việc Cty New Apparel Far Eastern Việt Nam đã chia sẻ thông tin về nơi làm việc mới của mình như trên và nhờ sự giúp đỡ của bà Toan. Khi biết sự việc, bà Toan đã chủ động nắm thêm thông tin từ các CN khác, rồi bàn bạc với Chủ tịch CĐ KCN Đồng Xoài - Đồng Phú. Sau đó, bà chủ động mời cơ quan Công an, Ban quản lý KCN, BHXH đến làm việc với giám đốc của Cty trên. Chủ DN thừa nhận những thiếu sót của Cty. Bà Toan cùng cơ quan chức năng vừa hướng dẫn các bước thực hiện vừa đề nghị chủ doanh nghiệp này phải chấp hành quy đinh pháp luật về lao động.
1 tháng sau, khi tổ chức CĐ về giám sát, Cty sản xuất giường tủ, bàn ghế này đã ký HĐLĐ và thực hiện đóng BHXH cho 90 CN. Cty cũng thành lập CĐCS để trực tiếp bảo vệ quyền lợi và chăm lo cho đời sống NLĐ. Sau sự việc này, bà Toan nhận được sự quý mến của CN cả 2 Cty. Theo LĐLĐ tỉnh Bình Phước, tuy Cty xảy ra tranh chấp với 90 lao động không phải do bà Toan phụ trách, nhưng bằng sự khôn khéo, vận dụng tốt mối quan hệ với cơ quan chức năng địa phương, bà Toan đã bảo vệ được quyền lợi cho NLĐ.