Theo báo cáo của Ban Thường vụ LĐLĐ Bình Định, năm 2021, dịch bệnh kéo dài và phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN gia tăng. Tính đến ngày 9.12, tổng nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên hơn 208 tỉ đồng.
Trước bối cảnh đó, công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ các đối tượng bị tác động tiêu cực bởi COVID-19 trở thành một trong những nội dung trọng tâm của hoạt động công đoàn và phong trào công nhân lao động địa phương năm 2021. LĐLĐ tỉnh đã ký kết kế hoạch phối với Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội vận động, hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân trong tỉnh và các tỉnh phía Nam.
Các cấp công đoàn đã vận động được 16,535 tỉ đồng, trong đó, đóng góp bằng tiền và hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu là 3,655 tỉ đồng, ủng hộ Quỹ Phòng chống COVID-19, Quỹ Vacciene COVID-19 10,454 tỉ đồng, ủng hộ người lao động, lực lượng tuyến đầu chống dịch 2,425 tỉ đồng.
Từ nguồn ngân sách và nguồn vận động trực tiếp, các cấp công đoàn đã hỗ trợ gần 4,9 tỉ đồng cho 8.096 đoàn viên, người lao động và 547 người thuộc lực lượng tuyến đầu. Thực tiễn phòng, chống dịch đã chứng kiến sức sáng tạo, khả năng ứng phó linh hoạt của tổ chức công đoàn. Nhiều mô hình tốt, cách làm hay xuất hiện, góp phần nâng cao hiệu qủa chống dịch. Công đoàn Khu Kinh tế hướng dẫn thành lập 123 “Tổ an toàn COVID-19” tại doanh nghiệp, bố trí sản xuất “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”, đề xuất sáng kiến và trao 806 túi đồ dùng cá nhân khẩn cấp cho người lao động ở các đơn vị bị phong tỏa tạm thời.
LĐLĐ thị xã Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ, thị xã An Nhơn phối hợp tổ chức các “gian hàng 0 đồng”, vận động các bộ, đoàn viên nấu hàng nghìn suất ăn miễn phí cung cấp cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và các khu cách ly tập trung…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn biểu dương kết quả hoạt động công đoàn địa phương trong một giai đoạn đầy thách thức, trong đó có việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; việc đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua yêu nước.
Ông Toàn cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập như vai trò của một số tổ chức công đoàn còn mờ nhạt; mối quan hệ giữa công đoàn, đoàn viên và người sử dụng lao động chưa chặt chẽ, thiếu gắn kết, đồng thời yêu cầu LĐLĐ tỉnh, trong công tác chỉ đạo hệ thống vận hành, phải luôn đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của các cấp ủy Đảng.
“Hướng tới lợi ích của người lao động là mục tiêu hàng đầu của cả hệ thống công đoàn. Tổ chức công đoàn phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nắm bắt sát sao tình hình đời sống, việc làm, thu nhập người lao động và các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng do đại dịch. Không để bất cứ công nhân nào trên địa bàn gặp khó khăn mà không được hỗ trợ” - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn chỉ thị.