Những năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp công đoàn Phú Yên triển khai sâu rộng đến đông đảo công nhân viên chức lao động, đặc biệt là lực lượng công nhân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp (DN). Từ phong trào này, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã xuất hiện, giúp DN ngày càng phát triển ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống công nhân lao động.
Nhà sáng kiến… công nhân
Chị Lê Thị Thanh Thảo - công nhân trực tiếp sản xuất tại Xí nghiệp may An Thịnh (Công ty CP An Hưng) - được đánh giá là “Bàn tay vàng An Hưng”. Chị Thảo được giao nhiệm vụ may 4 công đoạn khó, yêu cầu tay nghề, kỹ thuật cao. Trong các đợt thi đua sản xuất theo đơn đặt hàng, những khâu do chị Thảo phụ trách đều tăng năng suất.
Không chỉ là công nhân giỏi, chị còn có nhiều sáng kiến làm lợi được áp dụng trong các chuyền may, được Hội đồng sáng kiến kinh nghiệm công ty đánh giá cao và quay video thao tác tiên tiến để các xí nghiệp khác học tập. Nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, chị Thảo vinh dự đại diện công nhân lao động (CNLĐ) trực tiếp của Phú Yên tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc tại Hà Nội và nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III, năm 2018.
Tại Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu (Phú Yên), Công ty TNHH Hào Hưng có phong trào kaizen (cải tiến) trong sản xuất được phát động, nhiều CNLĐ đã đưa ra những cải tiến thiết bị máy móc mang lại hiệu quả lao động. Tiêu biểu như anh công nhân Phạm Văn Nhi. Trong quá trình vận hành máy móc, nhận thấy thiết bị thô sơ cần nhiều nhân lực và tiêu hao nguyên vật liệu, anh Nhi đã nghĩ ra cải tiến ứng dụng làm lợi hàng trăm triệu đồng cho công ty.
Khen thưởng kịp thời là động lực
Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh Phú Yên, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được các cấp CĐ phát động trong CNLĐ đã góp phần cùng với DN đề ra nhiều giải pháp tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Năm 2019, toàn tỉnh có 7.521 sáng kiến, cải tiến của công nhân viên chức lao động được các cấp công nhận. Hơn 41.500 cá nhân lao động tiên tiến, 2.675 tập thể lao động tiên tiến, 1.136 tập thể lao động xuất sắc, 5.097 chiến sĩ thi đua các cấp...
Tại nhiều DN, người sử dụng lao động (NSDLĐ) đã chủ động cùng Ban chấp hành CĐCS tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí khen thưởng động viên công nhân giỏi và sáng kiến, sáng tạo kịp thời. Đồng thời, DN đưa vào tiêu chí công nhân giỏi, sáng kiến, sáng tạo vào quy chế xét nâng lương trước thời hạn cho người đạt thành tích cao. Nhiều đơn vị, DN, CĐ phối hợp với NSDLĐ tổ chức cho CNLĐ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Tiêu biểu như CĐCS Công ty CP Môi trường đô thị Phú Yên.
Ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc công ty - chia sẻ: “Lãnh đạo công ty thường xuyên động viên CNLĐ ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới trong lao động sản xuất với khẩu hiệu: “Có ý tưởng, có sáng kiến là có thu nhập tăng thêm”. Mỗi ý tưởng của CNLĐ dù nhỏ đều được công ty xem xét, ghi nhận với phần thưởng từ 3-5 triệu đồng...”.
Ông Phan Quốc Thắng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên - khẳng định, trong thời kỳ công nghệ hiện nay, mỗi sáng tạo của CNLĐ chính là thước đo đổi mới mình. Các cấp CĐ luôn khuyến khích đoàn viên tham gia thông qua các giải thưởng cấp Tổng Liên đoàn, cấp LĐLĐ tỉnh, cấp cơ sở. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những gương điển hình xuất sắc, năm 2020, các cấp CĐ tập trung nâng cao chất lượng các hội thi nâng cao tay nghề, thi thợ giỏi; xây dựng quy chế tôn vinh, chính sách khen thưởng phù hợp để CNLĐ yên tâm công tác, cống hiến.