“Ấm lại” thị trường lao động nước ngoài
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk: Trong quý I/2022, đơn vị đã tư vấn xuất khẩu lao động cho 1.831 lượt người, giới thiệu lao động đi phỏng vấn cho 60 người và có 12 lao động xuất cảnh.
Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) thông báo kịp thời đến người lao động được doanh nghiệp Hàn Quốc khám lao phổi để hoàn thiện hồ sơ xin cấp visa làm các thủ tục xuất cảnh; hướng dẫn thủ tục hồ sơ đề nghị hoàn trả tiền ký quỹ và chi phí phái cử do bị doanh nghiệp Hàn Quốc hủy hợp đồng. Đơn vị còn tổ chức chiêu sinh và khai giảng 1 lớp tiếng Hàn Quốc khoá 17 vào ngày 18.2 với số lượng 24 học viên.
Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Số người ở địa phương đi xuất khẩu lao động đến nay đã tăng mạnh so với cùng kỳ 2021. Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân tại địa phương, đặc biệt là những đối tượng vừa hồi hương trở về từ các tỉnh thành khu vực phía Nam. Thành quả này là nhờ cuối năm 2021, Sở đã đẩy mạnh việc tuyên truyền tư vấn, tổ chức phiên giao dịch tại các địa phương, giải quyết việc làm cho lao động trở về vùng dịch”.
Cũng theo đại diện sở LĐTBXH Đắk Lắk, khó khăn lớn nhất của những người đi xuất khẩu lao động là việc nắm bắt ngoại ngữ, phong tục tập quán và giai đoạn ban đầu sẽ tốn thêm một khoản kinh phí nhất định. Vì thế, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nghị quyết hỗ trợ cho người lao động hoàn cảnh khó khăn vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; sau đó, người lao động sẽ chi trả dần khoản nợ. Ngoài ra, một số lớp học dạy tiếng nước ngoài cũng được mở để bồi dưỡng thêm cho người lao động trước khi đi làm.
“Khi giới thiệu người dân đi làm, công ty xuất khẩu lao động có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp sử dụng lao động ở nước sở tại để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Về mặt quản lý nhà nước, sở cũng theo dõi chặt chẽ những đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động có uy tín, được Cục Quản lý lao động ngoài nước giới thiệu và trong quá trình làm việc phải có những đơn hàng có lợi cho người lao động thì đơn vị mới giới thiệu xuống cơ sở để tuyển dụng nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con. Người lao động được đảm bảo quyền lợi, an toàn và có thu nhập ổn định như cam kết thì sẽ không thiếu nguồn tuyển dụng”, đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Lắk thông tin.
Đẩy mạnh xuất khẩu lao động
Mỗi năm tỉnh Đắk Lắk có khoảng 1.000 người đi làm việc theo hợp đồng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đây là các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống, hấp dẫn người lao động bởi có mức thu nhập cao, ổn định. Mỗi người lao động khi xa Tổ quốc đã gửi về cho gia đình từ 3.500 đến 3.700 USD/năm.
Ông Lê Hải Lý - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Đắk Lắk - cho biết, trong quý II/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk sẽ phấn đấu tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho khoảng 6.000 lượt người. Đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức 12 đến 15 phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm để kết nối cung cầu lao động (các phiên định kỳ tại trung tâm, phiên trực tuyến và phiên lưu động tại nhiều địa phương).
Trung tâm cũng thu thập thông tin tại các đơn vị, doanh nghiệp (dự kiến 660 đơn vị) và tiếp nhận thông tin từ 300 đến 350 đơn vị, doanh nghiệp đến Trung tâm đăng ký tuyển dụng; cung cấp thông tin thị trường lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động khoảng 3.800 lượt. Trung tâm sẽ tiếp tục giảng dạy và tuyên truyền, tổ chức chiêu sinh các lớp đào tạo tiếng Hàn Quốc, phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước thực hiện Chương trình EPS cho người lao động tại địa phương, hỗ trợ học nghề cho những người thất nghiệp.