Báo Lao Động đã đăng tải loạt bài viết: "Vạch trần thủ đoạn tuyển dụng lao động" phản ánh việc nhiều công ty môi giới ngang nhiên tuyển dụng lao động dưới 18 tuổi vào làm trong nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, linh kiện nhựa.
Chỉ cần bản photo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân đã chỉnh sửa năm sinh, công ty cho thuê lại lao động đã dễ dàng "vượt mặt" các doanh nghiệp đang "khát" lao động.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - chuyên gia về lao động - việc làm cho rằng, việc tuyển lao động cần phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Điều đáng nói, đơn vị tuyển lao động thiếu tuổi, chỉnh sửa giấy tờ để hợp thức hoá là không đúng quy định của pháp luật.
Theo chuyên gia này, pháp luật quy định rất rõ những công việc, thời gian làm việc... của lao động chưa thành niên. Cho nên, việc công ty tuyển lao động tẩy sửa thông tin sẽ ảnh hưởng trực tiếp cả trước mắt và lâu dài đến đến người lao động thuộc nhóm này.
"Lao động chưa thành niên cần được phát triển đầy đủ về thể lực, trí lực… để đào tạo họ trở thành lực lượng lao động có trình độ và làm việc lâu dài" - ông Trung nhấn mạnh.
Vị này lưu ý, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh xem các đơn vị này có phải làm nhiệm vụ cho thuê lại lao động hay không? Nếu là doanh nghiệp cho thuê lao động phải có giấy phép, phải có điều kiện và ký hợp đồng với người lao động sau đó mới đưa người lao động sang một doanh nghiệp khác để làm theo quy định của pháp luật.
Qua phản ánh của Báo Lao Động, ông Trung cho rằng cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tuyển dụng, cho thuê lại lao động, hoạt động dịch vụ việc làm để tránh việc lợi dụng, thực hiện không đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, người lao động tìm kiếm việc làm để tăng thu nhập đó là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Nhưng khi tìm kiếm việc làm, cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật, đơn vị tuyển dụng và phải trao đổi rất cụ thể, rõ ràng giữa người lao động và người sử dụng lao động.
"Người lao động trước hết cần tìm hiểu các quy định của pháp luật về vấn đề này, tìm hiểu hoạt động của đơn vị tuyển dụng lao động, tránh để họ lợi dụng và thực hiện không đúng hoặc họ gian lận" - ông Trung nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng đề nghị các trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường hoạt động tư vấn, thông tin thị trường lao động, hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng lao động.
Đặc biệt là các trung tâm dịch vụ việc làm của địa phương cần nắm bắt nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động để đổi mới cách làm nâng cao hiệu quả, thực sự là nơi kết nối việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động.
Trước đó, Báo Lao Động đã đăng tải loạt 5 kỳ phản ánh hệ thống công ty môi giới đều vận hành tương tự nhau khi sở hữu “dàn” nhân viên đăng bài, tìm kiếm lao động. Chỉ cần tuyển dụng đủ lao động theo chỉ tiêu, những nhân viên này nghiễm nhiên sẽ được trả thêm tiền mỗi tháng.
Để đạt được lợi nhuận, họ “phù phép” những lao động dưới 18 tuổi để đủ điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp điện tử trong Khu công nghiệp Khai Sơn (Bắc Ninh).
Nhiều công nhân mặt “non choẹt”, thiếu tuổi, song vẫn tự nguyện bị “tẩy xoá", hoá thành đủ tuổi lao động để được làm thời vụ trong các nhà máy ở Khu công nghiệp Khai Sơn (Bắc Ninh).
Làm ngày, làm đêm với thời gian làm việc kéo dài đến 12 giờ đồng hồ, họ mệt nhoài lê chân về phòng trọ với mong muốn một tháng có vài triệu thu nhập.
Vạch trần thủ đoạn tuyển dụng lao động dưới 18 tuổi
Kỳ 1: Vạch trần thủ đoạn tuyển dụng lao động: Vì lợi nhuận, bất chấp luật pháp;
Kỳ 2: Vạch trần thủ đoạn tuyển dụng lao động: "Phù phép" lao động dưới 18 tuổi;
Kỳ 3: Vạch trần thủ đoạn tuyển dụng lao động: Gặp gỡ "công nhân" 16, 17 tuổi;
Kỳ 4: Vạch trần thủ đoạn tuyển dụng lao động: Ác mộng sụt cân, làm 12 tiếng/ngày;
Kỳ 5: Vạch trần thủ đoạn tuyển dụng lao động: Không để môi giới lộng hành.