Bạo lực gia đình từng là cơn ác mộng
Sau 7 năm tự giải thoát cho chính mình khỏi sự “túng quẫn trong hôn nhân” với người chồng đầu tiên, giờ mỗi lần nghĩ lại, chị N.H.U (ngụ phường Tân Tạo, quận Bình Tân) vẫn luôn thầm cảm ơn bản thân vì ngày đó đã dũng cảm đứng lên đấu tranh, thoát khỏi người đàn ông liên tục bạo hành mình trong suốt 1 năm ròng.
Qua điện thoại, chị U ngập ngừng kể với chúng tôi về khoảng thời gian từng là cơn ác mộng của đời chị cách đây 7 năm, lúc ấy chị U 25 tuổi. “Chuyện trôi qua cũng quá lâu rồi nên mình không nhớ rõ chi tiết về những lần bị chồng bạo hành, chỉ biết suốt 1 năm 2016 - 2017, mỗi lần đến giờ chồng đi làm về, mình lại lo lắng, bồn chồn không biết hôm nay có bị chồng đánh nữa hay không” - chị nói.
Theo lời của chị U, chị và chồng cũ không làm cùng một công việc như nhiều gia đình công nhân khác. Chị buôn bán ngoài chợ, trong khi đó chồng làm cho một công ty lắp ráp linh kiện, thu nhập của cả gia đình phụ thuộc hết vào người đàn ông.
“Cho đến ngày cầm trên tay tờ đơn ly hôn, mình mới biết được lý do phía sau những lần bạo hành đó là vì áp lực kiếm tiền” - chị U kể. Sau nhiều lần bị bạo hành cùng những thương tổn về thể xác lẫn tinh thần, chị U quyết định chọn một ngã rẽ khác cho cuộc đời mình - ly hôn.
“Mình được bạn bè khuyên nhủ, rồi phía địa phương cũng có tổ chức tuyên truyền về bạo lực gia đình, khiến mình thấy đã đến lúc phải chấm dứt những tháng ngày đau khổ...” - chị bộc bạch.
Tương tự chị U, chị T.B.P cũng từng là nạn nhân của bạo lực gia đình trong một thời gian dài. Theo lời kể của chị P, tuy tần suất bạo hành xảy ra trong gia đình chị không nhiều, nhưng đã để lại cho chị những tổn thương tâm lý sâu sắc. Đến hiện tại, chị vẫn chưa có ý định đi thêm bước nữa vì ám ảnh với cuộc hôn nhân cũ.
Giúp chị em thoát khỏi bạo lực
Chị Nguyễn Thị Xem (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Tạo, quận Bình Tân) đã phối hợp với chị Kim Hồng (chủ nhà trọ) nhiều lần tổ chức những buổi sinh hoạt ngoài giờ để tuyên truyền kiến thức về bạo lực gia đình cũng như sức khỏe sinh sản cho các chị em công nhân, người lao động.
Chị Xem cho hay, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, những năm qua ở địa bàn phường hầu như không còn xảy ra câu chuyện bạo lực gia đình.
Tại Việt Nam, tình trạng nam giới có hành động bạo lực với nữ giới, đặc biệt là chồng đối với vợ, vẫn còn rất phổ biến.
Theo một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, trong 10 năm qua, có đến một phần ba người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi - Viện Xã Hội học Việt Nam cho biết, các hành vi lạm dụng, cưỡng bức tình dục, lăng mạ, sỉ nhục, ngoại tình... chưa được nhiều người xem là các hình thức bạo lực gia đình và với đa số hành vi bạo lực gia đình chỉ bị lên án khi nó gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến chết người, bị thương.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho rằng, để thoát khỏi bạo lực gia đình, trước hết, chị em phải tìm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Khi sự việc xảy ra, chị em cần nói ra với người thân, hàng xóm, cán bộ tại địa phương để được chia sẻ, tư vấn và hỗ trợ giải quyết; dặn hàng xóm một số dấu hiệu cho biết bạn đang bị bạo lực để họ sang giúp đỡ. “Khi gặp tình huống khẩn cấp, các chị em cần phát tín hiệu “cấp cứu” để bạn bè hoặc hàng xóm biết mình đang bị bạo lực và hỗ trợ kịp thời” - luật sư Nữ nói.