“Không biết bao giờ được đi làm?”
“Không biết bao giờ được đi làm?”- chị Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên tại cơ sở mầm non tư thục ở Đông Anh (Hà Nội), vừa nói vừa thở dài với chúng tôi. 3 năm làm giáo viên, chị Hương phải nghỉ vài đợt theo quy định phòng chống dịch của thành phố. Song, đây là đợt nghỉ dài nhất - hơn 3 tháng chị xa các con, trường lớp.
Dù không phải chịu cảnh thuê nhà như một số giáo viên khác, song với đồng lương eo hẹp làm công chức xã của chồng cũng khó gồng gánh được những chi tiêu cho cuộc sống của chị và 2 đứa con.
Vì thế, cả gia đình buộc phải dè sẻn mọi thứ. Mảnh vườn trong nhà được xới xáo liên tục, trồng đủ các loại rau, chị Linh chỉ phải mua thịt, cá… Thay vì đóng bỉm cho con cả ngày, thì thứ này cũng bị cắt giảm. Bé lớn 5 buổi chỉ còn một cữ sữa buổi tối để uống trước khi đi ngủ. Và chính chị Hương cũng thừa nhận: “Tôi còn không dám tiêu tiền”.
Nhớ ngày nào còn chân ướt chân ráo ra Hà Nội xin việc, đến nay, chị Nguyễn Thị Hằng (quê ở Lâm Đồng) đã có 3 năm gắn bó với nghề “trông trẻ” tại một trường mầm non tư thục ở Đông Anh (Hà Nội). Trong một lần ra Hà Nội chơi với người chị họ ở đây, chị Hằng đến phỏng vấn và được nhận ngay.
Thời gian đầu, chị cùng con gái 8 tháng tuổi khá chật vật. “Lúc mới ra đây, điều khiến tôi khó hoà nhập nhất là ngôn ngữ. Sau khi tham gia khoá học 4-5 tháng về ngôn ngữ vào buổi tối và tiếp xúc nhiều phụ huynh ngoài này thì cũng ổn” - chị Hằng nói.
Chị Hằng chia sẻ: “Hồi đó, chờ tháng lương đầu tiên dài như một thế kỷ”. Thu nhập của chị hơn 5 triệu đồng/tháng. Số tiền này cũng tạm đủ để hai mẹ con ăn uống, sinh hoạt, trả tiền thuê trọ, tiền trông bé mỗi tháng.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19, ban đầu, chị Hằng nghĩ chắc chỉ nghỉ hết tháng 5, số tiền tích góp đủ để hai mẹ con cầm cự được 1 tháng. Không còn cách nào khác, chị Hằng tìm đến vay quản lý trường học, vay đồng nghiệp, vay người thân gần 10 triệu đồng vì những tháng qua không có thu nhập.
Khi giáo viên là công nhân thời vụ
Không có thu nhập, chị Hương cũng giống như nhiều giáo viên mầm non tư thục khác phải tìm kế sinh nhai tạm thời. “Tôi xin đi làm thời vụ cho một công ty điện tử ở Khu công nghiệp Thăng Long” - chị Hương kể. Chị Hương cảm thấy may mắn hơn nhiều cô giáo đang có con nhỏ khác không thể làm gì vào lúc này.
Làm việc thời vụ thì quyền lợi không được như công nhân chính thức, song chị Hương vẫn chăm chỉ đi làm. Chị tiếc mãi khi ảnh hưởng của dịch khiến công ty ngưng trệ, việc làm không đều đặn. Đi làm 3 tháng song số công chỉ được 1 tháng. Dù thu nhập được 3-4 triệu đồng, chị Hương vẫn có một khoản mua sữa, bỉm và thức ăn cho các con.
Còn chị Hằng, hơn 1 tuần nay nhận trông trẻ tại nhà. Bé cũng là học sinh của chị, bố mẹ là công nhân, bận bịu ngày nào, chị nhận trông ngày đó. 75.000 đồng/ngày là tiền công mà chị trông trẻ từ 7h30 đến 17h, trong đó chị vừa trông nom, dạy dỗ, cho bé ăn bữa trưa, bữa phụ buổi chiều. Dù vất vả, chị Hằng vẫn khấp khởi vui mừng khi có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống trong thời điểm này.

Xa trường, xa lớp nhiều tháng trời, chị Nguyễn Thị Thanh Hương cũng nhớ nghề vô cùng. Lúc nhớ các bé quá, chị Hương nhắn tin cho phụ huynh để gọi điện cho bé.
“Con nhớ mẹ Hương lắm” - những lời nói của học trò khiến chị Hương mong muốn dịch sớm qua để trở lại công việc thường ngày đến nhường nào...