Giáo viên lo lắng, bỏ tiền triệu học chứng chỉ “cấp tốc”: Bộ GDĐT chậm sửa đổi, giáo viên còn bị “ép” học - thi chứng chỉ

Tường Vân - Bích Hà |

Dù thông tin cắt giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã công bố được hơn nửa năm, nhưng đến nay giáo viên ở nhiều nơi vẫn bị “ép” đi học các lớp bồi dưỡng để lấy chứng chỉ nhằm “giữ hạng” hay thăng hạng. Theo các thầy cô, nguồn cơn của sự việc là do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chậm ban hành thông tư sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng lương cho giáo viên.

Bộ GDĐT còn chậm, giáo viên còn khổ

Từ hồi cuối tháng 5.2021, Bộ Nội vụ đã có đã có văn bản kiến nghị cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm. Ngoài đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, Bộ Nội vụ còn đề nghị giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Đến ngày 18.10.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1.9.2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, tại khoản 4 Điều 1 quy định: “Chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành có 1 chương trình, thời gian thực hiện tối đa là 6 tuần”. Tức là sẽ không phân chia theo hạng và muốn thăng hạng phải cần ít nhất 3 chứng chỉ như hiện nay.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành sớm sửa đổi, ban hành thông tư hướng dẫn theo quy định này nhưng đến nay, Bộ GDĐT vẫn chưa có một văn bản chính thức nào khẳng định giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ khi thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương. Thông tư sửa đổi các bất cập của chùm thông tư số 01, 02, 03, 04 (có quy định giáo viên muốn được bổ nhiệm vào hạng nào thì cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng đó), nhiều tháng nay vẫn chỉ là dự thảo.

Trong thời gian đợi Bộ GDĐT, những tháng qua, nhiều giáo viên ở Thanh Hóa và các địa phương vẫn bị “ép” đi học chứng chỉ. Thầy cô phản ánh liên tục bị nhà trường, Phòng Giáo dục nhắc nhở, thúc giục đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên để được thăng hạng, giữ hạng và giữ lương.

“Tôi cũng có nghe qua việc cắt giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nhưng nhà trường vẫn thúc giục đăng ký tham gia học lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, nếu không tham dự thì thiệt thòi quyền lợi, phải tự chịu trách nhiệm nên tâm lý chung là... sợ và bấm bụng chi từ hơn 2 triệu đồng đăng ký học cho xong” - một giáo viên tại Thanh Hóa chia sẻ.

Gọi là tự nguyện, nhưng giáo viên đều cho rằng, họ không có nhu cầu đăng ký học, bởi thấy việc học không mang lại kiến thức bổ ích, phụ vụ cho công việc giảng dạy. Chưa kể, giáo viên đều phải tự bỏ tiền đi học, vừa lãng phí tiền bạc, thời gian, mà còn không thiết thực, chỉ có tính chất đối phó.

Lúng túng trong triển khai, địa phương buộc phải kiến nghị sửa đổi

Cũng vì chưa có văn bản chính thức của Bộ GDĐT về việc cắt giảm chứng chỉ, nên hiện nay khi triển khai việc bổ nhiệm, xếp lương cho giáo viên, các địa phương vẫn mặc nhiên thực hiện theo quy định cũ (tức là thực hiện theo chùm Thông tư số 01,02,03,04/2021), giáo viên được phân chia thành 3 hạng và muốn giữ hạng hay thăng hạng thì buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng đó.

Đơn cử tại Thanh Hóa, ngày 24.3.2022, Sở Nội vụ có Công văn số 548/SNV-CCVC về việc triển khai thực hiện bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập theo quy định tại các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT ngày 02.02.2021 của Bộ GDĐT.  Theo đó có yêu cầu giáo viên muốn được bổ nhiệm vào các hạng thì phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tương ứng. Vì lo không được bổ nhiệm, bị đánh tụt hạng, giảm lương và cũng không biết khi nào Bộ GDĐT mới ban hành thông tư mới về việc cắt giảm chứng chỉ, nên giáo viên đành chấp nhận bỏ tiền đi học-thi chứng chỉ “cấp tốc”.

Trao đổi với Lao Động, lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa thừa nhận hiện nay chưa biết thực hiện theo quy định cũ hay chờ quy định mới khi bổ nhiệm, xếp lương cho giáo viên. Trên địa bàn tỉnh, số lượng giáo viên chưa có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng hiện giữ nhưng đã có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng cao hơn chiếm tỉ lệ lớn (Ví dụ: Giáo viên mầm non hạng III chưa có chứng chỉ hạng III, nhưng đã có chứng chỉ hạng II; giáo viên tiểu học hạng III chưa có chứng chỉ hạng III, nhưng đã có chứng chỉ hạng II; giáo viên THCS hạng II chưa có chứng chỉ hạng II, nhưng đã có chứng chỉ hạng I...).

Đại diện Sở GDĐT Thanh Hóa cho rằng, dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và cắt giảm chứng chỉ cho giáo viên, nhưng Bộ GDĐT chưa có thông tư hướng dẫn triển khai nên chưa thể đảm bảo cơ sở pháp lý khi thực hiện. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, tránh lãng phí khi học thêm chứng chỉ, Sở GDĐT Thanh Hóa đã có văn bản kiến nghị Bộ GDĐT xem xét và chấp nhận nội dung: “Đối với giáo viên mầm non, phổ thông đã có 1 chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng bất kỳ của cấp học được xem là đủ điều kiện về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với từng hạng khi thực hiện bổ nhiệm, xếp lương theo các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2.2.2021 của Bộ GDĐT...

“Quan điểm của Sở GDĐT Thanh Hóa là điều gì có lợi cho giáo viên, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tổ chức thực hiện ngay. Hiện, Sở GDĐT đã có công văn đề nghị Bộ GDĐT trả lời rõ, để địa phương dễ dàng triển khai thực hiện bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập theo quy định, tránh tình trạng nhiễu loạn, giáo viên mơ hồ về những quy định. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi của Bộ GDĐT” - ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa - cho biết.

lường trước việc địa phương ồ ạt ép giáo viên đi học chứng chỉ

Liên quan đến những phản ánh của Lao Động về việc giáo viên ở Thanh Hóa và một số tỉnh đang bị ép đi học chứng chỉ, trong đó có nguyên nhân là do Bộ GDĐT chưa ban hành văn bản chính thức về việc cắt giảm chứng chỉ cho giáo viên, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ GDĐT đã lường trước việc giáo viên bị ép đi học.  Chính vì thế, trong lúc chờ sửa đổi, ban hành thông tư hướng dẫn, Bộ GDĐT đã có công văn số 5392/BGDĐT-NGCBQLGD gửi các Sở GDĐT về việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Văn bản quy định rất rõ, địa phương cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 1 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.

“Về nguyên tắc, dù Bộ GDĐT sửa hay chưa sửa chùm thông tư về bổ nhiệm xếp lương giáo viên thì Nghị định của Chính phủ là văn bản vi phạm pháp luật có tính pháp lý cao hơn, buộc phải các địa phương phải thực hiện theo. Chúng tôi cũng đã lường trước việc địa phương có thể ồ ạt ép giáo viên đi học chứng chỉ này nên đã ban hành công văn số 5392. Tôi đề nghị trong lúc Bộ GDĐT đang sửa thông tư, các đơn vị nghiên cứu và thực hiện nghiêm theo Nghị định 89, giữ đúng tinh thần cắt giảm chứng chỉ cho giáo viên” - đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết.

Tường Vân - Bích Hà
TIN LIÊN QUAN

Điều kiện thăng hạng viên chức không cần học thêm chứng chỉ

Minh Hương |

Viên chức có chứng chỉ bồi dưỡng công tác xã hội hạng III và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện khác của hạng thì được bổ nhiệm vào chức danh công tác xã hội hạng III mà không phải học lại chứng chỉ công tác xã hội hạng IV.

Giáo viên lo lắng, bỏ tiền triệu học chứng chỉ “cấp tốc”

Vân Trang - Bích Hà |

Những ngày qua, giáo viên ở nhiều tỉnh thành bỗng nhận được “lệnh” phải đi học cấp tốc chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nhà trường thì nói đây là yêu cầu của Phòng GDĐT, phòng lại đổ tại sở yêu cầu. Điều khiến thầy cô hoang mang nhất là những thông tin “không đi học sẽ không được xếp lương”, “không có chứng chỉ sẽ bị tụt hạng”...

Trường ĐH đầu tiên dùng chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam để xét tuyển thẳng

Tường Vân |

Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) là trường đầu tiên sử dụng kết quả bài thi VSTEP dùng cho Việt Nam để xét tuyển.

Câu lạc bộ Hải Phòng nhận thất bại đầu tiên tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Câu lạc bộ Hải Phòng nhận thất bại sát nút 2-3 trước Hồng Lĩnh Hà Tĩnh ngay trên sân nhà tại vòng 4 Night Wolf V.League 2023.

Cục An toàn thực phẩm lên tiếng vụ bê bối sữa bột nhiễm khuẩn tại Pháp

Thuỳ Linh |

Công ty sản xuất thực phẩm Lactalis của Pháp đã bị buộc tội liên quan đến vụ bê bối toàn cầu kéo dài 5 năm qua. Hàng chục trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng sức khỏe do uống sữa công thức (sữa bột) nhiễm khuẩn đường ruột salmonella.

Theo chân những phụ nữ lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An

DIỆU ANH |

Ninh Bình - Ngày cuối tuần, khách du lịch tới tham quan tại Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) cũng đông hơn ngày thường. Tại bến thuyền Tràng An, hàng nghìn phụ nữ làm nghề chèo đò ở đây cũng tất bật hơn...

Phụ huynh ở Bình Dương tố Apax English thu học phí nhưng không dạy

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Hàng chục phụ huynh tại Bình Dương đã tập trung làm đơn tố Trung tâm tiếng Anh Apax English - Apax Leaders chi nhánh Bình Dương thu học phí nhưng không dạy học.

Nguy cơ tiềm ẩn từ thiết bị định vị, camera giám sát người già

Thúy Ngọc (Theo Reuters) |

Chuyên gia cho rằng, những thiết bị định vị GPS, camera giám sát người cao tuổi trong nhà hữu ích, nhưng tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư.

Điều kiện thăng hạng viên chức không cần học thêm chứng chỉ

Minh Hương |

Viên chức có chứng chỉ bồi dưỡng công tác xã hội hạng III và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện khác của hạng thì được bổ nhiệm vào chức danh công tác xã hội hạng III mà không phải học lại chứng chỉ công tác xã hội hạng IV.

Giáo viên lo lắng, bỏ tiền triệu học chứng chỉ “cấp tốc”

Vân Trang - Bích Hà |

Những ngày qua, giáo viên ở nhiều tỉnh thành bỗng nhận được “lệnh” phải đi học cấp tốc chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nhà trường thì nói đây là yêu cầu của Phòng GDĐT, phòng lại đổ tại sở yêu cầu. Điều khiến thầy cô hoang mang nhất là những thông tin “không đi học sẽ không được xếp lương”, “không có chứng chỉ sẽ bị tụt hạng”...

Trường ĐH đầu tiên dùng chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam để xét tuyển thẳng

Tường Vân |

Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) là trường đầu tiên sử dụng kết quả bài thi VSTEP dùng cho Việt Nam để xét tuyển.