Điều đặc biệt nghiêm trọng là khi sang xứ người, bà Bình đã tử vong, đến nay đã gần 1 năm, thân nhân chưa nhận được thi thể. Sau đó, anh Chính có gửi đơn tới các cơ quan chức năng, nhưng hơn một tháng nay mà gia đình vẫn chưa nhận được hồi âm. Sáng 2.3, anh Đinh Văn Chính đã đến trụ sở Báo Lao Động để tiếp tục nhờ trợ giúp.
Mất liên lạc từ tháng 7.2016
Sinh năm 1991, nhưng với khuôn mặt đen sạm, khắc khổ, thân hình còm nhom, trông Chính như người đàn ông vừa qua tuổi 40. Chính cho biết, khi mới được 7 tuổi, bố bỏ hai mẹ con để đến với hạnh phúc mới. Vất vả nuôi con và mang mầm bệnh nhưng không có tiền chữa trị nên căn bệnh viêm tắc tĩnh mạch của mẹ Chính phát tác, gây hoại tử hai chân, đi lại khó khăn, cà nhắc.
Thương mẹ, chân bị nhiễm trùng nặng, một năm đi viện vài lần, nên Chính vừa đi học, vừa đi làm thuê với đủ loại nghề như rửa bát, phụ bán hàng để phụ mẹ có tiền đóng học, ăn uống. Hai mẹ con dựa vào nhau để vượt qua gian khổ.
Sau đó Chính lập gia đình, theo Cty vào Con Cuông làm thủy điện nên phải xa gia đình, một năm về nhà thăm mẹ một lần. Vào tháng 7.2016, bà Bình có nói là đi Hà Nội chữa bệnh, nên Chính đưa cho mẹ 6 triệu đồng. Tháng 9.2016, bố bị ung thư phát bệnh, Chính phải xin ngừng việc tại Cty để về Hà Tĩnh chăm sóc bố. Do bệnh nặng, tháng 12.2016, bố Chính qua đời. Cũng trong dịp này, vợ Chính mới sinh con nhỏ lại ốm đau, đi viện liên miên nên Chính dứt liên lạc với mẹ một thời gian dài.
“Sau khi việc hậu sự của bố đã xong, con gái đỡ ốm, em chợt tỉnh ra là bấy lâu nay chưa liên lạc, về thăm mẹ. Em và vợ liên tục gọi vào số máy của mẹ nhưng toàn thuê bao ngoài vùng phủ sóng. Lo lắng, hai vợ chồng về nhà thì cửa đóng then cài. Khi vào nhà, không khí lạnh lẽo, ẩm mốc mà mẹ chẳng thấy đâu.
Quá hoảng, em lục tìm rương thì thấy có quyển hộ chiếu (đã hết hạn) có hình mẹ, nhưng tên tuổi, ngày tháng năm sinh lại là của người khác - bà Vương Thị Hoài Thu. Kèm theo quyển hộ chiếu có mẩu giấy tờ của Cty Gia Vi, khi liên lạc tới, đại diện Cty cho biết bà Vương Thị Hoài Thu đã tử vong tại Saudi Arabia” - Chính vừa khóc, vừa nói.
Mong được nhìn mặt mẹ lần cuối
Không tin vào những điều mà phía Cty cung cấp, Chính liên lạc khắp nơi để tìm tung tích của mẹ, nhưng đều vô vọng. Tháng 5.2017, Chính ra Hà Nội, tìm đến Cty Gia Vi, phía Cty cung cấp cho Chính 1 bản hợp đồng đưa người đi giúp việc gia đình nước ngoài ký ngày 2.8.2016, giữa Cty Gia Vi và người lao động là Vương Thị Hoài Thu.
“Em rất ngạc nhiên, bởi chữ ký, chữ viết là của mẹ, nhưng ngày, tháng, năm sinh và tên tuổi thì không đúng. Tên người trong hợp đồng là Vương Thị Hoài Thu, sinh ngày 29.11.1977; hộ khẩu ở Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An. Đại diện Cty cũng đã chính thức thông báo cho em về nguyên nhân cái chết của bà Thu là “sự cố lao động” vào ngày 3.4.2017.
Ngày 28.7.2017, ông Vi Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Cty Gia Vi - đã vào làm việc với gia đình và ký bản cam kết với nội dung sẽ cùng các cơ quan chức năng đưa thi hài của lao động về nước; thi hài mang tên Vương Thị Hoài Thu, sinh năm 1977, có tên thật là Trần Thị Bình, sinh năm 1963. Cty cam kết chịu mọi phí tổn và hỗ trợ gia đình một phần kinh phí làm ma chay. Tuy nhiên, thi hài của mẹ em nằm bên Saudi Arabia đã gần một năm nay mà phía Cty Gia Vi vẫn chưa đưa được về nước” - Chính cho biết.
“Với bổn phận là người con duy nhất của mẹ, cùng với mong muốn được đưa thi hài của mẹ về quê an táng, để linh hồn của bà được trở về với quê hương, yên nghỉ nơi suối vàng… nên trong suốt thời gian qua, em đã nỗ lực hợp tác với Cty Gia Vi để hoàn tất các thủ tục giấy tờ liên quan để đưa thi hài của mẹ từ Saudi Arabia về Việt Nam.
Ông Vi Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Cty Gia Vi - cũng đã viết giấy cam kết với nội dung sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm đưa thi hài mẹ em về nước từ trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Nhưng sau quá trình mỏi mòn chờ đợi, phía Cty Gia Vi vẫn chưa thực hiện đúng nội dung cam kết. Em đã nhiều lần liên hệ nhưng được Cty trả lời là đã lo xong thủ tục phía bên kia, Cty đã làm giúp gia đình xong xuôi rồi, nên không có trách nhiệm nữa. Điều này thật vô lý” - Chính bức xúc.
Cuộc đời bà Trần Thị Bình đã phải gánh chịu một cuộc sống vô cùng khắc nghiệt, bản thân bà là người khuyết tật, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, phải hưởng trợ cấp của Nhà nước nên đã giấu con, người thân trong gia đình để đi xuất khẩu lao động mưu sinh, để rồi đến cuối đời một mình cô độc, chết nơi đất khách quê người, không gia đình, không người thân.
“Khi mẹ em qua đời bên Saudi Arabia không có người thân bên cạnh, nay chỉ còn gần một tháng nữa là tròn một năm linh hồn và thể xác của mẹ bên xứ người. Điều này đã để lại nỗi đau đớn, sự day dứt, buồn tủi vô cùng lớn cho bản thân em, cũng như thân nhân trong gia đình. Do đó, ước nguyện của em là sớm được nhận lại thi hài, để được nhìn mẹ lần cuối” - Chính khóc.
Trong buổi sáng 2.3, PV Báo Lao Động đã đưa Chính đến Công an quận Hà Đông (số 2 Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội) để cơ quan công an ghi nhận lời trình báo theo đơn phản ánh. Báo Lao Động sẽ tiếp tục tìm hiểu và phản ánh những diễn biến mới nhất của hành trình “đòi” thi hài mẹ của Chính.