Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhấn mạnh như trên khi phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Công đoàn Xây dựng Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2023-2028, diễn ra vào chiều 12.10.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang ghi nhận và chúc mừng những thành tích nổi bật mà đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và các cấp công đoàn Xây dựng đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Trong bối cảnh, tình hình mới, để hoạt động của Công đoàn ngành Xây dựng ngày càng hiệu quả hơn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gợi mở một số nội dung để Đại hội quan tâm thảo luận, xem xét, quyết định.
Theo đó, Công đoàn Xây dựng Việt Nam cần tập trung thực hiện tốt chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Cụ thể, cần nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật dành cho đoàn viên, người lao động của ngành đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động; chủ động tập hợp, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền, phối hợp giải quyết dứt điểm việc nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động tại các doanh nghiệp còn nợ đọng, nhất là các trường hợp đã kéo dài qua nhiều năm; quan tâm giải quyết tốt chế độ chính sách đối với người lao động trong quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp.
Công đoàn Xây dựng Việt Nam cũng cần phát huy vai trò của công đoàn trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tích cực, chủ động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro; đẩy mạnh chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên, người lao động phù hợp với đặc thù của từng loại hình ngành nghề, địa bàn và tình hình thực tiễn của đơn vị.
Công đoàn cũng cần quan tâm đến đối tượng đoàn viên, người lao động làm việc trong các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, đoàn viên, người lao động làm việc trực tiếp trên các công trường, tại các vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn...
Công đoàn Xây dựng Việt Nam cần tổ chức tốt các phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Xây dựng phát động, nhất là phong trào thi đua trên các công trình trọng điểm của ngành và đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phong trào thi đua phải thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, có tiêu chí thi đua phù hợp. Làm tốt công tác khen thưởng, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến, khuyến khích động viên người lao động phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất…
Công đoàn Xây dựng Việt Nam cần đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành; đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, nhất là khu vực ngoài nhà nước; quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các công đoàn cơ sở doanh nghiệp sau khi thực hiện sắp xếp lại; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trình độ, kỹ năng, phương pháp công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ngoài ra, công đoàn cần làm tốt công tác phát hiện để giới thiệu đoàn viên ưu tú cho cấp ủy xem xét, bồi dưỡng, kết nạp, quan tâm đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp…
“Công đoàn Xây dựng cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc giữ vai trò cầu nối, tham mưu với Tổng Liên đoàn và Bộ Xây dựng về các nội dung chính sách nhà ở dành cho công nhân, lao động, trong việc phối hợp triển khai các công trình thiết chế công đoàn phục vụ công nhân, lao động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ” - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo...