Gói 26.000 tỉ đồng mới giải ngân được 52,43%
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là trên 33.564 tỉ đồng, hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng.
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 8,85 triệu lượt đối tượng với số tiền 12.244 tỉ đồng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương là 3.118 tỉ đồng, Đồng Nai là 2.787 tỉ đồng, Hà Nội là 2.063 tỉ đồng...
Về kinh phí hỗ trợ, theo tính toán dự kiến ban đầu không bao gồm kinh phí do địa phương bố trí để hỗ trợ cho lao động tự do và một số đối tượng đặc thù.
Tổng kinh phí thực hiện gói hỗ trợ (gói 26.000 tỉ đồng) đến nay đạt 52,43% kế hoạch dự toán.
Đánh giá về quá trình triển khai các gói hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ) đã nhiều lần đề xuất việc lập bản đồ việc làm, số hóa dữ liệu về người lao động theo ngành nghề, vùng miền... để thống nhất trong triển khai, thực thi chính sách hỗ trợ.
Bà Hương cho rằng: "Đại dịch vừa qua cho thấy, chúng ta không có một chính sách nền nào bao phủ được người lao động. Lỗ hổng đầu tiên là hệ thống chính sách không trên mặt bằng, có nghĩa là hỏng chỗ nào mới sửa chỗ ấy".
Bà Hương lấy ví dụ, đơn cử như dịch COVID-19 vừa qua chúng ta không nắm được đối tượng. Cho nên, chính sách hàng nghìn tỉ cũng chỉ là ước lượng.
"Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ghi chép cung cầu lao động, toàn bộ 23 triệu hộ gia đình. Nếu về nguyên tắc thì chúng ta đã nắm được, nhưng khi thực hiện chính sách lại không đồng bộ" - bà Hương nói.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, chính sách này chỉ hướng đến đối tượng chính thức, đang được thụ hưởng. Còn các đối tượng đang bị tác động lớn nhất là lao động tự do, phi chính thức...
Bà Hương cho rằng: "Mãi cho đến Nghị định 68, chúng ta mới có một dòng cuối cùng là hỗ trợ lao động tự do. Tôi nghĩ là cần phải tổng kiểm kê về người lao động, số hoá dữ liệu lao động".
Ở đây, bà Hương cho rằng cũng cần thông cảm cho Chính phủ vì đại dịch này quá lớn, chưa có trong tiền lệ. Song việc thực hiện các gói hỗ trợ cho hiệu quả hơn khi có những số liệu về thị trường lao động đồng nhất.
Cơ sở dữ liệu không tốt sẽ khiến thực thi chính sách hạn chế
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Ngọc Quý - Uỷ viên thường trực Ủy ban xã hội của Quốc hội cho rằng: "Đại dịch là cơ hội là để chúng ta nhìn lại những hạn chế của các chính sách hỗ trợ. Chính sách hỗ ngắn hạn, gói tiền mặt của Nghị quyết 68 năm 2021 và Quyết định 23 của Chính phủ các gói chính sách đã khắc phục khá nhiều những tồn tại của những chính sách của năm 2020, tỷ lệ giải ngân đã được khắc phục khá nhiều trong năm 2021".
Tuy nhiên cần phải nhìn nhận việc thay đổi đầu tiên là hệ thống quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải là người dẫn dắt, phải là người thay đổi trước.
Theo ông Quý, đó là, cần phải thay đổi tư duy quản lý thị trường lao động ở Việt Nam. Chuyển từ quản lý thị trường lao động sang quản trị thị trường lao động ra làm sao? Cái gì là quản lý, cái gì là quản trị, cái gì là trả lại vai trò cho thị trường, trả lại vai trò 3 bên theo nguyên lý của quan hệ lao động,...
"Ý tưởng tốt, chính sách hay nhưng toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu của chúng ta mà không tốt thì việc thực thi chính sách sẽ có sự hạn chế" - ông Quý khẳng định.