Tại Hội nghị - Tập huấn đánh giá kết quả, thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tín dụng đen trong công nhân lao động do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức sáng 17.5, ở TP Hồ Chí Minh, bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết qua gần một năm triển khai đến nay đã có gần 320.000 đoàn viên, NLĐ ở gần 2.600 đơn vị, doanh nghiệp vay 5.345 tỉ đồng (26,72% gói vay). Bình quân mỗi đoàn viên, người lao động sử dụng sản phẩm, dịch vụ với giá trị 16,75 triệu đồng.
Các sản phẩm và dịch vụ cơ bản phù hợp với đoàn viên, NLĐ, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chương trình nâng cao lợi ích, phúc lợi của tổ chức CĐ, đổi mới hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ và được đoàn viên, NLĐ, xã hội đánh giá cao.
Tuy nhiên, hiện công tác truyền thông, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa, về các sản phẩm, dịch vụ, các ưu đãi dành cho đoàn viên, NLĐ còn chưa đồng bộ, một số địa phương chưa triển khai thực hiện; một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự ủng hộ tổ chức giới thiệu và tuyên truyền sản phẩm, dịch vụ đến với công nhân lao động. Nguyên nhân là do chưa có các công cụ hỗ trợ tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm dịch vụ một cách hiệu quả, nhanh chóng từ phía các đối tác, lãi suất tuy có ưu đãi so với thị trường nhưng vẫn còn cao so với khả năng của nhiều đoàn viên, NLĐ…
Ông Nguyễn Đình Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty HD SAISON – cho biết nếu đoàn viên, NLĐ thông qua CĐCS giới thiệu để vay thì sẽ được hưởng lãi suất từ 15%-25% (chỉ bằng 50% so với lãi suất vay thông thường), và đây là mức lãi suất thấp nhất trên thị trường cho vay tín chấp. Tuy nhiên, nhiều CĐCS còn e ngại trách nhiệm khi giới thiệu gói vay cho đoàn viên, NLĐ vay trong khi nhu cầu vay trong đoàn viên, NLĐ là vô cùng lớn.
“Nếu đoàn viên, NLĐ tiếp cận được với gói vay ưu đãi này thì sẽ được hưởng nhiều lợi ích và sẽ không phải chịu những hệ lụy từ tín dụng đen. Vai trò kết nối của CĐCS là rất quan trọng vì nếu có CĐCS giới thiệu thì chúng tôi có niềm tin hơn và CĐCS không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào với rủi ro của khoản vay”, ông Đức nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện LĐLĐ một số tỉnh, thành cho biết rất ủng hộ thực hiện gói vay 20.000 tỉ đồng để góp phần ngăn chặn tín dụng đen và nâng cao đời sống của đoàn viên, NLĐ. Tuy nhiên, hiện còn một số băn khoăn về lãi suất vay chưa giảm nhiều so với vay từ các công ty tài chính, ngân hàng khác, thủ tục vay còn chưa nhanh gọn, đặc biệt là do những tác động xấu từ việc các app cho vay tài chính trước đây, nên cán bộ CĐ còn thận trọng để bảo đảm quyền lợi của đoàn viên, NLĐ vì thế còn chậm thực hiện gói vay 20.000 tỉ đồng này.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh nhấn mạnh thỏa thuận khung của Tổng LĐLĐ Việt Nam với hai công ty tài chính là phù hợp pháp luật, nên các LĐLĐ tỉnh, thành phố có thể căn cứ thỏa thuận này để đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp tác với hai công ty trên và cụ thể hóa với điều kiện từng địa phương để thực hiện. Những vướng mắc thực tế có thể báo cáo về Tổng LĐLĐ Việt Nam để tìm cách giải quyết. Những đơn vị đã ký kết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện một cách thực chất nhằm mang lại lợi ích tốt nhất, sớm nhất cho đoàn viên, NLĐ.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cũng đề nghị hai công ty tài chính cần chủ động, tăng cường hợp tác với LĐLĐ tỉnh, thành và các cấp CĐ cũng cần nâng cao hợp tác giúp cho đoàn viên, NLĐ có thể thụ hưởng một cách tốt nhất từ gói vay trên.