Mở khu công nghiệp ở các vùng trọng điểm
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk: Trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đề nghị bổ sung thêm 3 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích 1.180ha, gồm: Khu công nghiệp tại huyện M’Đrắk (diện tích 300ha), Khu công nghiệp tại huyện Ea Kar (480ha) và Khu công nghiệp tại huyện Ea H’leo (400ha). Các Khu công nghiệp này dự kiến được triển khai thực hiện sau năm 2030.
Cả 3 khu công nghiệp đều quy hoạch ở những địa bàn trọng điểm của tỉnh, mật độ dân cư khá cao, diện tích lớn và đặc biệt là đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, tỉnh đang có duy nhất Khu công nghiệp Hòa Phú với tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là hơn 260 tỉ đồng.
Tính đến nay, có 60 dự án đăng ký đầu tư vào khu vực này với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.032 tỉ đồng, tỉ lệ diện tích lấp đầy gần 100%. Khu công nghiệp hiện giải quyết việc làm ổn định cho 2.445 lao động tại địa phương, trong đó có 869 lao động dân tộc thiểu số.
Thêm việc làm cho người lao động
Trước đó, toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ có duy nhất khu công nghiệp Hòa Phú nhưng đã được lấp đầy. Hiện, rất nhiều doanh nghiệp muốn tìm đến Đắk Lắk để đầu tư nhưng lại phải ngóng chờ dự án khu công nghiệp mới.
Chị Ksơr H’Hoa (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) - cho biết: “Tôi cùng một số hàng xóm dự tính đi TPHCM tìm kiếm việc làm để tránh cảnh thất nghiệp. Nếu sắp tới địa phương triển khai xây dựng khu công nghiệp thì chúng tôi sẽ về, xin vào làm công nhân”.
Bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk) - nhận định: “Việc tỉnh đưa 3 khu công nghiệp vào quy hoạch sẽ mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho người lao động tại địa bàn trong tương lai.
Trước mắt, nếu định hướng triển khai xây ở 3 huyện sẽ ngay lập tức giải quyết nhu cầu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tức họ không còn phải đi xa về tận Bình Dương, Đồng Nai hay TPHCM để tìm việc làm tại các khu công nghiệp”.
Hiện, số doanh nghiệp lớn sử dụng lao động nhiều ở Đắk Lắk đang còn ít, khá hạn chế. Ngoài ra, người lao động khi được làm việc gần nhà sẽ yên tâm hơn, tiết kiệm chi phí đi lại, thuê nhà, an tâm lao động sản xuất.
Trước đó, tháng 6.2023, ông Nguyễn Đình Trung - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk đã đến thăm, khảo sát một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hòa Phú và làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị với những dự án chậm triển khai, sử dụng đất công nghiệp sai mục đích thì kiên quyết xử lý, thu hồi để tạo quỹ đất thu hút doanh nghiệp có nhu cầu, tiềm lực vào đầu tư. Để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, điều hành, tránh chồng chéo, bất cập ở khu công nghiệp, các đơn vị liên quan sắp xếp, tổ chức lại một cách hợp lý theo đúng nguyên tắc và phù hợp với tình hình thực tế.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnh và do trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Tổ công tác này nhằm tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những động thái hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư trọng điểm ở tỉnh trong thời điểm hiện tại và tương lai.