Ông Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đồng Tháp - chia sẻ:
- Tỉnh Đồng Tháp xác định đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là giải pháp quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.
Kể từ năm 2014 đến nay, Đồng Tháp đã đưa hơn 15.500 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (trong đó 6.700 LĐ nữ). LĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài tập trung nhiều nhất là thị trường Nhật Bản chiếm 76%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 13%, Hàn Quốc chiếm 8%; còn lại các thị trường khác chiếm 3% trong tổng số LĐ đã đưa đi.
Cùng nhìn lại 10 năm nỗ lực trong công tác đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo phương châm "Đi làm thuê, về làm chủ", tỉnh Đồng Tháp đã có được những giá trị gì, thưa ông?
- Thứ nhất là về giá trị về kinh tế, trong đó hiệu quả thiết thực nhất là từ nguồn thu nhập của LĐ. Nếu tính bình quân của một NLĐ đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc sau khi trừ các khoản chi phí còn lại khoảng từ 20 - 25 triệu đồng/tháng, tạo ra nguồn thu đáng kể cho gia đình, nhất là các gia đình nghèo, khó khăn.
Ước tính nguồn thu nhập bình quân LĐ của cả tỉnh gửi về cho gia đình mỗi năm hơn 1.300 tỉ đồng. Từ đó, đã cải thiện thu nhập và nâng cao mức sống của người dân tại địa phương, góp phần rất lớn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Thứ hai là giá trị về mặt xã hội, NLĐ tích lũy được những kiến thức rất bổ ích từ nền công nghệ tiên tiến của các nước phát triển. Họ còn được rèn luyện và trau dồi kỹ năng trong sản xuất, kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ tay nghề, trình độ chuyên môn để về quê hương áp dụng trong LĐ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, góp phần giảm bớt những tệ nạn trong xã hội.
Đó là sự nỗ lực, đầy trách nhiệm của các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị, đặc biệt là sự năng nổ, sáng tạo của cơ quan tham mưu, trực tiếp là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Đồng Tháp, Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thành phố và đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Trong bối cảnh thị trường LĐ nước ngoài đang được nhiều quốc gia đầu tư, tỉnh Đồng Tháp đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp gì để phát huy nguồn nhân lực đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới?
Hiện nay, chúng ta đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Sự nghiệp hội nhập quốc tế, phát triển đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới, yêu cầu cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, khó khăn, phức tạp hơn so với trước. Do đó, công tác đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài phải được tổ chức thực hiện chặt chẽ, đồng bộ hơn nữa.
Tỉnh đã quán triệt tư tưởng, không phải chỉ đơn thuần đưa LĐ phổ thông đi tiếp cận thị trường mới mà còn chú trọng giáo dục định hướng để NLĐ chuẩn bị tâm thế tốt về quê lập nghiệp. Chẳng hạn, NLĐ có kỹ năng, kiến thức ở chuyên ngành, lĩnh vực gì sẽ được ưu tiên sắp xếp ở ngành nghề đó nhằm tiếp cận nhanh, học được kỹ thuật tiên tiến của nước bạn. Điều này giúp chuẩn bị tâm thế tốt cho NLĐ, thôi thúc bản lĩnh khởi nghiệp giúp phát triển tỉnh nhà.
Chúng tôi cũng tăng cường mối quan hệ ngoại giao, tìm hiểu, khảo sát mở rộng thị trường LĐ nước ngoài, nghiên cứu hướng đến thị trường LĐ của các nước Australia, Đức, Canada, Ba Lan... quan tâm thực hiện tốt việc thẩm định, chọn lọc đơn hàng phù hợp với tình hình và điều kiện của LĐ.
- Xin cảm ơn ông!