ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ ĐỊNH VỀ TIỀN LƯƠNG:

“Doanh nghiệp mừng, nhưng người lao động rất buồn”

QUẾ CHI |

Đó là nhận xét của một đại biểu về đề xuất của Bộ LĐTBXH sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương tại hội thảo do Tổng LĐLĐVN tổ chức sáng 21.3. 

Bộ LĐTBXH: Sửa đổi là cần thiết

Sáng 21.3, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 49 năm 2013 và dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 05 năm 2015 của Chính phủ. Tham dự hội thảo có đại diện một số LĐLĐ tỉnh, CĐ ngành, CĐ các KCN, CĐCS. Đây là 2 Nghị định ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến quyền lợi người lao động (NLĐ) khi sửa đổi, bổ sung.

Theo dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ LĐTBXH, trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 49 là cần thiết. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định trên bảo đảm giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động của DN theo định hướng đã nêu trong Đề án cải cách chính sách tiền lương; góp phần tạo thuận lợi cho các DN trong sản xuất, kinh doanh.

Việc sửa đổi chủ yếu tại Điều 7 về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương. Bộ LĐTBXH đề xuất hoặc xóa bỏ quy định khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề ít nhất bằng 5%, mà chỉ theo phương án định tính để DN và CĐCS thương lượng, xác định giá trị cụ thể; hoặc giảm xuống còn 3% để tiến tới xóa bỏ quy định này. Tương tự đối với quy định về mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (phải cao ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng), Bộ LĐTBXH đề xuất bỏ định lượng mà chỉ theo phương án định tính (cao hơn mức lương tối thiểu vùng) hoặc giảm xuống 5% để tiến tới bãi bỏ quy định này. Phương án giảm hoặc bãi bỏ cũng được đề xuất đối với mức lương của công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, nguy hiểm.

NLĐ: Không nên sửa đổi!

Tại buổi hội thảo, hầu hết các ý kiến đều cho rằng chưa nên sửa đổi Nghị định 49 tại thời điểm này. Các đại biểu cũng bày tỏ ý kiến phản đối các phương án sửa đổi mà Bộ LĐTBXH đưa ra. Ông Cao Xuân Dương - Trưởng ban Chính sách Pháp luật, LĐLĐ tỉnh Hưng Yên - cho rằng, phải tăng các mức % như trên lên để đảm bảo quyền lợi NLĐ; còn nếu giảm như Bộ LĐTBXH đề xuất là bất hợp lý. Theo ông Dương, trong khi thương lượng còn yếu thì cần phải đưa vào luật, từ đó có chế tài xử phạt mới buộc DN phải chấp hành; còn nếu bỏ quy định 5% sẽ khai tử thang, bảng lương - trong khi đây là một quy định nhân văn nhằm đảm bảo quyền lợi, hỗ trợ cho NLĐ, nhất là những NLĐ đã có tuổi.

Theo một cán bộ CĐ, nếu thực hiện theo các phương án của Bộ LĐTBXH thì thu nhập thực tế của NLĐ sẽ bị giảm, sẽ rất thiệt thòi cho NLĐ. NLĐ càng thiệt hơn khi mức tăng lương tối thiểu vùng qua từng năm (từ khi có cơ chế thương lượng ba bên đến nay) có xu hướng giảm. Chủ tịch CĐCS của một Cty thuộc KCN VSIP (Hải Phòng) cũng chia sẻ: “Giảm đi thì DN rất mừng, nhưng NLĐ rất buồn. Hiện nay, thu nhập của NLĐ của Cty chúng tôi tầm 6-7 triệu đồng. Họ phải trang trải rất nhiều khoản. Nếu theo như phương án sửa đổi đưa ra thì thu nhập của họ có thể giảm xuống còn 5,6-5,8 triệu đồng sẽ khiến NLĐ rất lo lắng”.

Cũng theo Chủ tịch CĐCS này, tại nhiều DN, khi CĐ tiến hành thương lượng để tăng thêm phúc lợi cho NLĐ, thì chủ DN hay hỏi căn cứ vào điều luật nào; nếu không có quy định thì sao phải thực hiện? Vì vậy, nếu chưa có lộ trình tăng lên thì Nhà nước nên giữ nguyên theo quy định tại Điều 7 Nghị định 49 để DN không thể chối bỏ thực hiện khi đã có luật quy định ràng buộc rõ ràng; đảm bảo đời sống NLĐ.

Nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến cho rằng chưa nên sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05. Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) - Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp thu, ghi nhận ý kiến của các đại biểu cũng như nhiều nguồn khác để trình Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN có văn bản gửi Bộ LĐTBXH, đảm bảo quyền lợi của NLĐ, thực tiễn hoạt động CĐ cũng như xu hướng quan hệ lao động trên thị trường. Ông Quảng chia sẻ thêm, trong thời gian tới, việc hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động sẽ theo xu hướng Nhà nước càng ít quan thiệp sâu vào quan hệ lao động. Vì vậy, vai trò của CĐ trong thương lượng thỏa ước lao động tập thể là hết sức quan trọng để đảm bảo được quyền lợi của NLĐ.

QUẾ CHI
TIN LIÊN QUAN

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.