Từng bước trí thức hóa đội ngũ công nhân lao động
Công đoàn Hà Tĩnh hiện có 1.503 CĐCS với 70.037 đoàn viên, trong đó số đoàn viên thuộc khối doanh nghiệp 26.723 đoàn viên (chiếm 38,2%). Dự báo thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục sẽ là điểm đến thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, số doanh nghiệp vì vậy cũng sẽ tăng nhanh, kéo theo đội ngũ công nhân lao động tăng cả về số lượng và chất lượng…
Trước bối cảnh đó, tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh đã chủ động, linh hoạt đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở và người lao động, đặc biệt tập trung đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống, việc làm và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động trong các doanh nghiệp.
Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030".
Xây dựng, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng xã hội học tập, giáo dục ý thức tự học cho công nhân lao động.
Chỉ đạo công đoàn các cấp xây dựng mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa”, xây dựng “Tủ sách pháp luật” phục vụ công nhân lao động gắn với các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa công nhân.
Đến nay, toàn tỉnh có 257 tủ sách thư viện và phòng đọc phục vụ CNVCLĐ. Các cấp Công đoàn Hà Tĩnh đã bằng nhiều phương pháp, vận động người sử dụng lao động tạo điều kiện để công nhân lao động được học tập nâng cao trình độ học vấn, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng sống… phù hợp với mong muốn của người lao động và điều kiện của doanh nghiệp; Vận động người sử dụng lao động xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài hỗ trợ công nhân và con em công nhân nghèo hiếu học; Tham mưu với người sử dụng lao động thường niên tổ chức các hoạt động thi tay nghề, nâng bậc thợ, thi thợ giỏi.
Với quy mô gần 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn và hơn 1.500 dự án đầu tư trong và ngoài nước, lực lượng công nhân lao động không chỉ tăng cả về số lượng và chất lượng mà còn có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động, trình độ chuyên môn, tay nghề.
Với sự vào cuộc và phối hợp hiệu quả của tổ chức công đoàn, đội ngũ công nhân lao động không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, lực lượng lao động của tỉnh đã qua đào tạo là 78% (cao hơn bình quân chung cả nước).
Hằng năm, công nhân lao động Hà Tĩnh có các đề tài, sáng kiến hữu ích, mang lại lợi ích kinh tế cao. Giai đoạn từ 2013-2023, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) đã đề nghị và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo cho 29 cá nhân có đề tài, giải pháp hữu ích và 01 cá nhân được tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, 450 CNLĐ được UBND tỉnh tặng Bằng khen và được LĐLĐ tỉnh tôn vinh dịp Tháng Công nhân. Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở đã tôn vinh, biểu dương gần 6.361 lượt CNLĐ dịp Tháng Công nhân hàng năm.
Đội ngũ công nhân lao động được chăm lo về mọi mặt
Một trong ba khâu đột phá được Đại hội XIX Công đoàn Hà Tĩnh, nhiệm kỳ 2023-2028 xác định: “Tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, BHXH, điều kiện và thời giờ làm việc”.
Hằng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh ban hành hệ thống các nhiệm vụ, chỉ tiêu để tổ chức công đoàn toàn tỉnh nỗ lực phấn đấu thực hiện, trong đó chú trọng các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến hoạt động công đoàn khối doanh nghiệp như: Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, người lao động; hội nghị người lao động; đối thoại tại nơi làm việc; ký kết thỏa ước lao động tập thể; khám sức khỏe định kỳ; nâng cao chất lượng bữa ăn ca; diễn đàn “Nghe công nhân nói - Nói công nhân nghe”; hoạt động cảm ơn người lao động; tôn vinh, biểu dương công nhân lao động tiêu biểu …
Bình quân hằng năm có trên 90% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đủ điều kiện tổ chức hội nghị người lao động và phối hợp tổ chức đối thoại giữa chủ sử dụng lao động với đoàn viên, người lao động.
Thông qua đối thoại, nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc của người lao động được giải quyết kịp thời; vai trò của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động được thể hiện rõ nét hơn.
Đến nay 100% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn xây dựng thang lương, bảng lương, trả lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; tiền lương bình quân của người lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước đạt 8,015 triệu đồng/tháng; trong các doanh nghiệp dân doanh đạt 5,18 triệu đồng/tháng; trong các doanh nghiệp FDI đạt 9,54 triệu đồng/tháng.
Giai đoạn 2018 - 2023 đã thương lượng và ký 255 thỏa ước lao động tập thể (đạt 108,2% chỉ tiêu Nghị quyết), nâng tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể bình quân hằng năm lên 86,6%.
Hoạt động giám sát của công đoàn các cấp về thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động của chủ sử dụng lao động được phát huy. Thông qua hoạt động giám sát, tổ chức công đoàn đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật tại doanh nghiệp, qua đó đề xuất chủ sử dụng lao động nhiều giải pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người lao động... bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động.
Đến nay, toàn tỉnh có 341/419 (81,4%) doanh nghiệp có tổ chức công đoàn hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động theo Nghị quyết của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động” với giá trị bữa ăn từ 20.000 đồng/suất ăn trở lên.
Ở đâu có công nhân lao động, ở đó có Công đoàn chăm lo. Các cấp công đoàn không ngừng củng cố niềm tin của đoàn viên đối với tổ chức công đoàn.
Cùng với Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh”; Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-LĐLĐ ngày 22/5/2018 về tăng cường công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và xây dựng công đoàn cơ sở doanh nghiệp vững mạnh. Nghị quyết 02/NQ-LĐLĐ đã thực sự có tính đột phá trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo phương châm “Ở đâu có công nhân lao động, ở đó có công đoàn”.
Nhiệm kỳ 2023-2028, Công đoàn Hà Tĩnh đã thành lập mới 220 công đoàn cơ sở và kết nạp mới hơn 22.000 đoàn viên công đoàn (tăng 21% so với nhiệm kỳ trước), trong đó số đoàn viên công đoàn trong doanh nghiệp chiếm 94.3%.
Chương trình Tết Sum vầy, Tháng Công nhân đã trao hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh nghề nghiệp… hàng chục tỷ đồng mỗi năm (trong đó tỷ lệ xã hội hoá đạt trên 84%).
Trong nhiệm kỳ 2023-2028, Quỹ Xã hội Công đoàn các cấp đã hỗ trợ xây dựng 615 nhà Mái ấm Công đoàn trị giá 16,3 tỷ đồng; đồng thời huy động xã hội hóa xây dựng một số nhà ở nội trú cho đoàn viên, công nhân lao động thuộc địa bàn khó khăn và đoàn viên vùng sâu vùng xa tại các huyện Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang....
Phát biểu tại hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện NQ 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Danh nhấn mạnh: Phải khẳng định rằng, phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong suốt thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp…
Tin tưởng rằng, với sự quan tâm này, đội ngũ công nhân lao động và tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh trong thời gian tới sẽ phát triển lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội XIX Công đoàn Hà Tĩnh đề ra.