Cuộc sống người lao động trước tác động của dịch covid-19

Đêm làm công trường, ngày ngủ nhà “biệt thự”

Trần Kiều |

Trong khu nhà ở và biệt thự liền kề thuộc dự án Khu đô thị Cầu Diễn (phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), có những căn biệt thự chưa hoàn thiện là nơi ở và sinh hoạt của rất nhiều người lao động tự do làm việc tại các công trường xây dựng. Cuộc sống của họ là điều mà ít ai có thể tưởng tượng được nếu không tận mắt chứng kiến.

Hàng chục con người cùng ăn, ở

Nằm đối diện một mương nước nhỏ trong khu D4, có một căn biệt thự 5 tầng, diện tích khoảng 60m2 mới chỉ được xây xong phần thô, trơ khung tường gạch đỏ bên ngoài phủ đầy rêu phong, bên trong thì bong tróc. Từ năm 2014, căn biệt thự này được thuê lại để làm nơi ở cho công nhân (CN) làm việc thời vụ tại các công trình xây dựng. Hiện tại, căn nhà có khoảng 30 người gồm cả già, trẻ, gái, trai cùng ăn, ở với nhau.

Do căn nhà chỉ mới xong phần thô nên để có thể sống được ở đây, khi mới chuyển đến, mọi người phải kéo điện, nước và thiết kế chỗ ngủ nghỉ cho mình. Một vài cột sắt được hàn thành khung tầng, thêm mấy miếng phản ghép lại với nhau thành giường ngủ. Mọi người lấp đầy không gian sống bằng những dây treo quần áo và vật dụng thi công trên công trường. Còn chuyện nhà không có cửa che chắn thì chẳng ai lấy làm bận tâm. Bởi, tất cả đều nghĩ đơn gian rằng có chỗ ngả lưng, che mưa che nắng là tốt lắm rồi.

Với số lượng thành viên đông, phần lớn lại là nam giới nên chuyện ăn ở và sinh hoạt trong căn nhà khá đặc biệt. Những người trung tuổi được bố trí ở tầng 1 và tầng 2; còn người trẻ ở tầng cao hơn. Riêng những cặp vợ chồng được sắp xếp ngủ cùng một chỗ và “ưu ái” có ri-đô để có sự riêng tư.

Theo ông Mai Minh Ướng (SN 1969, quê ở Yên Bái) - người lớn tuổi nhất trong căn nhà, do điều kiện nhà cửa tuềnh toàng, nên lao động nữ sinh hoạt hơi bất tiện. “Mỗi tầng đều có nhà vệ sinh tự chế. Ngoài đi vệ sinh, đó cũng là nơi tắm rửa. Thường chỉ có chị em phụ nữ tắm ở đó, còn đàn ông đều xuống tắm chung ở bể nước ngay tầng 1” - ông Ướng cho biết.

Ngủ nghỉ, tắm giặt đã vậy, bữa cơm của mọi người sống trong căn nhà cũng rất đặc biệt. Khi đến bữa, từng tốp khoảng 8-10 người tự túc lấy bát đũa và dọn cơm mang lên các tầng để ăn. Lý do đơn giản được mọi người giải thích là vì đông người nên không thể ngồi cùng một chỗ. Với tất cả thành viên sống ở đây, việc ăn cùng, ngủ cùng đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc.

Uớc mơ về cuộc sống đủ đầy

Chị Hoàng Thu Huyền (SN 1999, dân tộc Tày, ở Yên Bái) dù còn khá trẻ nhưng đã là mẹ của hai con. Chồng của chị đã làm công việc đổ bêtông ở Hà Nội được 6 năm, ít có thời gian về nhà. Phần vì nhớ chồng, phần vì không quen với công việc gò bó ở Cty, chị Huyền quyết định xuống Hà Nội làm cùng chồng.

Sau 2 tháng đi làm ở công trường, chị Huyền cho hay, công việc hiện tại tuy nặng nhọc, thường xuyên làm ca đêm nhưng không bị gò bó về thời gian như khi làm CN. Hơn thế nữa, thu nhập cũng cao hơn và còn được lo cơm ăn hằng ngày nên khá thoải mái.

“Mới đầu xuống đây, tôi cũng ngại vì căn nhà có tới 30 người, chủ yếu là nam giới cùng chung sống. Nhưng giờ thì quen rồi, mọi người cũng đều là người trên quê xuống đây lao động với mong muốn cuộc sống được đủ đầy hơn nên có gì cũng san sẻ, giúp đỡ nhau. Từ lúc xuống đây, tôi chưa về nhà được lần nào... Cuộc sống xa nhà luôn vất vả nhưng có chồng bên cạnh cũng đỡ tủi thân lúc ốm đau, mệt mỏi” - chị Huyền tâm sự.

Cũng như chị Huyền, chị Hà Thị Chăm (SN 1998, cùng là dân tộc Tày, quê Yên Bái) theo chồng xuống đây làm đã được 1 năm. Trước khi xuống đây, công việc của chị Chăm cũng như phần lớn bà con ở quê là chăn nuôi và trồng quế. Đợt nào được giá thì 630.000 đồng/yến quế, còn lại không có nguồn thu nhập nào khác nên đời sống khó dư giả.

Để có một cuộc sống đủ đầy hơn, chị Chăm gửi con ở quê rồi xin xuống làm cùng chồng. Hằng ngày, chị theo chồng ra công trường phụ hồ, bắn nhám. Chị được trả 200.000 đồng/công.

Cũng vì muốn cuộc sống được khá giả hơn, anh Hoàng Văn Hiền (SN 1983) xa vợ và hai con xuống Hà Nội làm từ năm 2004. Gắn bó từ những ngày được trả 65.000 đồng/công cho tới giờ là 300.000 đồng/ca, anh Hiền bảo, nhờ có công việc này mà anh có tiền gửi về cho vợ nuôi con. Mọi thứ cũng dễ chịu hơn nhiều so với việc chỉ trông vào cây quế, nương lúa.

Đợt dịch COVID-19 vừa qua, công trình tạm dừng thi công, mọi người đều không có việc làm, chỉ loanh quanh ở trong bốn bức tường. Không đi làm được nên nhiều người phải tạm ứng trước tiền từ chủ cai để lo toan cuộc sống cho gia đình ở quê.

30 con người là 30 mảnh ghép riêng biệt cùng sống trong một căn nhà. Song cuối cùng, điều duy nhất mà tất cả cùng hướng tới là ai cũng sẽ có được một cuộc sống đủ đầy hơn. Đó là lý do mà mọi người gồng gánh và san sẻ những khó khăn, vui buồn với nhau trong công việc và cuộc sống.

Trần Kiều
TIN LIÊN QUAN

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.