Đại đa số người hành nghề chạy xe ôm công nghệ, shipper là lao động trẻ. Không chỉ vậy, có nhiều người đang làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, có thu nhập, đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội vẫn đăng ký để chạy xe ôm công nghệ nhằm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống.
Ngoài ra, hiện nay cũng có hàng trăm nghìn sinh viên đang theo học tại các trường nghề, cao đẳng hay đại học cũng chạy xe ôm công nghệ, shipper nhằm để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống cũng như cho việc học tập của mình.
Có thể coi đây là một trong những công việc, ngành nghề mang tính chất nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm bởi người chạy xe ôm công nghệ hay các shipper hằng ngày phải thường xuyên tham gia giao thông trên đường, đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe cũng như những hiểm nguy, mất an toàn giao thông...
Thực tế, nhiều trường hợp tài xế xe ôm công nghệ hay shipper bị tai nạn giao thông nghiêm trọng và phải nhập viện điều trị dài ngày. Hầu như họ phải tự bỏ tiền túi ra với số tiền không nhỏ để điều trị thương tật do tai nạn giao thông hoặc không may ốm đau, bệnh tật vì không phải là những đối tượng tham gia, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định hiện hành. Có thể nói, hàng trăm nghìn tài xế xe ôm công nghệ cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực, rủi ro cũng về sức khỏe…
Do vậy, việc đề xuất những người lao động đang làm nghề xe ôm công nghệ là những đối tượng cần phải tham gia, đóng bảo hiểm tai nạn bắt buộc là một quy định cần thiết, cần tính toán thực hiện trong tương lai gần.
Trước mắt, nếu như chưa thể tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì nên nghiên cứu, quy định những người hành nghề xe ôm công nghệ hay shipper có thể tham gia, đóng bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bảo hiểm y tế dựa trên tổng thu nhập hàng tháng của người lao động. Mức đóng về bảo hiểm xã hội tai nạn bắt buộc, bệnh nghề nghiệp là 0,5% hay mức đóng bảo hiểm y tế bắt buộc là 1,5%. Đây là mức đóng hợp lý, vừa với túi tiền cũng như thu nhập của những người lao động chạy xe ôm công nghệ.
Có thể nói, việc tham gia, đóng bảo hiểm xã hội tai nạn bắt buộc hay đóng bảo hiểm y tế bắt buộc đối với những người hành nghề chạy xe ôm công nghệ hay shipper là rất cần thiết.
Nếu không may xảy ra tai nạn lao động, tai nạn giao thông khi đang làm việc cũng như gặp những sự cố nghiêm trọng khác, họ được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để điều trị thương tật, được bảo hiểm xã hội chi trả những khoản tiền nhất định trong quá trình điều trị do tai nạn lao động, hay do tai nạn giao thông, giảm được gánh nặng về chi phí.
Đương nhiên, việc thực hiện chế độ, chính sách đóng bảo hiểm xã hội tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay bảo hiểm y tế bắt buộc đối với người lao động chạy xe ôm công nghệ, làm shipper cần có hướng dẫn và thực hiện thuận lợi, nhất là các thủ tục cần thật đơn giản, dễ dàng hơn so với các đối tượng khác.
Hiện nay, khái niệm "bảo hiểm tai nạn lao động” không được quy định cụ thể mà chỉ quy định về Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Khoản 1 Điều 41 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 như sau:
Nguyên tắc thực hiện chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
1. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của Quỹ bảo hiểm xã hội; việc đóng, hưởng, quản lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của Luật này và Luật bảo hiểm xã hội.
Khoản 2 Điều 41 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Nguyên tắc thực hiện chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
...
2. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động và do người sử dụng lao động đóng.