Căn cứ điều chỉnh lương tối thiểu đã “chín muồi”
Hai năm qua, lương tối thiểu không tăng, nhiều giai đoạn phải nghỉ, giãn việc do ảnh hưởng của COVID-19, cho nên thu nhập của công nhân, người lao động đều bị ảnh hưởng. Khi hỏi niềm mong mỏi nhất hiện nay là gì, nhiều người không ngần ngại trả lời ngay là được tăng lương, cải thiện thu nhập.
Như chị Đỗ Thị Kim Duyên (SN1986) - 10 năm làm công nhân tại một công ty trong Khu Công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) - mỗi tháng lĩnh 8-9 triệu đồng. Thu nhập này còn bao gồm cả lương cơ bản và tiền công làm thêm giờ miệt mài của chị. Theo chị Duyên, nếu không làm thêm, thì không thể đủ tiền chi tiêu tại thủ đô. Chồng chị làm công trình xây dựng, vắng nhà liên tục. Bên cạnh chi phí nuôi con gái 11 tuổi ăn học, tiền nhà trọ vẫn phải trả 700.000 đồng, kể cả điện nước thì cứ đều đều 1,5-1,7 triệu đồng/tháng…
Hàng tá những khoản phải chi tiêu hằng ngày, buộc lòng chị Duyên gắng gượng “cày cuốc” khi còn có sức khoẻ. “Tháng nọ chi tiêu đập tháng kia, chỉ dư một chút tiền đề phòng ốm đau” - chị Duyên nói về việc tích luỹ trong gia đình.
Chiều 28.3 vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia có phiên họp về lương tối thiểu vùng. Đây là phiên họp đầu tiên của năm nay. Trong phiên họp này, đại diện người lao động là Tổng LĐLĐVN và đại diện của chủ sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thảo luận, đưa ra các luận điểm để làm căn cứ cho các phương án tăng lương tối thiểu.
đảm bảo mức sống tối thiểu của nLĐ
Trao đổi với PV sau phiên họp này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐVN) - cho hay, mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất trả cho người lao động làm việc trong điều kiện làm việc bình thường, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Sau 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, doanh nghiệp rất khó khăn. Vì vậy, chúng ta đã trì hoãn tăng lương. Đến nay, việc điều chỉnh tiền lương cần xem xét lại.
Theo ông Quảng, hiện nay một số căn cứ điều chỉnh mức lương tối thiểu đã thay đổi và “chín muồi” như mức sống tối thiểu, chỉ số giá tiêu dùng, quan hệ cung - cầu lao động. Cụ thể, Việt Nam vẫn là điểm sáng của thế giới về phát triển kinh tế, ngay quý I/2022, GDP đã tăng trên 5%. Trong khi đó, qua nắm bắt của tổ chức công đoàn, rất nhiều doanh nghiệp tại khu vực phía Nam do áp dụng mức lương thấp đã không thu hút được lao động dẫn đến thiếu hụt lao động rất lớn, những yếu tố này đòi hỏi việc tăng lương là rất cần thiết.
Ông Quảng cho rằng, tiền lương của người lao động chỉ đủ sống, nên khi thảo luận về làm thêm giờ rất nhiều người đồng ý. Tiền lương phải đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình họ, quan tâm đến tiền lương chính là quan tâm cho đầu tư, phát triển. Tăng lương tối thiểu vùng cũng giúp cho doanh nghiệp phát triển, bởi khi người lao động có mức lương thỏa đáng họ sẽ gắn bó với doanh nghiệp và lao động với năng suất cao hơn.
Ngoài ra, mức lương tối thiểu chưa tăng cũng tạo ra quan hệ lao động bất ổn, những tháng đầu năm xảy ra một số cuộc đình công rất lớn chủ yếu đòi tăng lương. “Doanh nghiệp thời gian qua cũng gặp khó khăn nhưng giới hạn của người lao động là không chịu đựng được nữa” - ông Quảng nhấn mạnh.
Theo thông lệ điều chỉnh tiền lương vào ngày 1.1 hằng năm, năm nay Tổng LĐLĐVN đề nghị điều chỉnh tiền lương năm 2022 bắt đầu từ 1.7.
Tổng LĐLĐVN đang dự kiến các phương án tăng lương tối thiểu vùng, song mức tăng được cho là phải đủ bù trượt giá trong những năm chưa tăng, đặc biệt là của năm 2022, riêng quý I/2022 chỉ số trượt giá khoảng 2%, chưa kể còn các yếu tố về tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Đại diện Tổng LĐLĐVN cho rằng: “Theo tổng hợp của chúng tôi, 5 năm qua tiền lương tối thiểu tăng bình quân 7,4%, nếu hai năm chưa tăng mức tăng sắp tới sẽ cao hơn, chắc chắn doanh nghiệp không chịu được. Chúng tôi sẽ có tính toán cụ thể để đưa ra phương án đảm bảo hài hòa quyền lợi của người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Đưa ra vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp tránh cú sốc”.
Tăng lương có lợi cho doanh nghiệp nhiều hơn người lao động?
Về phía đại diện doanh nghiệp, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, qua nắm bắt của cơ quan này thì hầu hết các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng thời gian điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1.1 như thông lệ hằng năm hợp lý hơn. Bởi đây là thời điểm phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như năm tài chính của Việt Nam.
“Đầu năm doanh nghiệp thường lập các kế hoạch, trong đó có kế hoạch sản xuất kinh doanh đến các chi phí kèm theo, trong đó có nội dung về chính sách cho người lao động. Khi xây dựng các chính sách, ngay từ đầu năm doanh nghiệp sẽ phải tính toán đến việc điều chỉnh các chế độ tiền lương rồi, nên nếu để thời điểm đầu năm sẽ phù hợp hơn” - bà Minh nói. Việc doanh nghiệp đưa ra các chính sách khuyến khích người lao động ngay từ đầu năm sẽ giúp họ gắn bó hơn trong quá trình hoạt động trong cả một năm.
Trao đổi về đề xuất của phía chủ sử dụng lao động tăng lương từ 1.1.2023, ông Quảng bày tỏ: “Chúng tôi chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, song chuyên gia độc lập cho rằng, có những bài học của thế giới như tăng lương tối thiểu tác động có lợi nhiều cho doanh nghiệp hơn là người lao động. Chuyên gia đó lấy ví dụ hầu hết các doanh nghiệp khó khăn nhưng các nước đều tăng lương tối thiểu để hỗ trợ người lao động, phục hồi thị trường. Bài học này Việt Nam cần tiếp cận”.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, Hội đồng sẽ lắng nghe đề xuất của các bên, sắp tới sẽ tổ chức phiên họp lần hai để bàn bạc cụ thể, lúc đó mới có thể đưa ra thông tin chính thức.