Dự thảo đề cương sửa Luật Bảo hiểm xã hội đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay. Còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.
Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Đề xuất trên là một trong những phương án được các chuyên gia trong tổ soạn thảo đưa ra.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết, hiện nay, người lao động đang đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ phần lương hàng tháng. Chủ sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ này, như vậy tổng số là 22%.
Theo chuyên gia này, các cơ quan liên quan khi xây dựng chính sách cần đảm bảo nguyên tắc linh hoạt, đưa ra nhiều phương án phù hợp với người lao động. Hiện nay, không thể mang một công thức duy nhất để áp dụng cho mọi người.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các phần mềm quản lý ra đời có thể phục vụ tốt việc quản lý quỹ bảo hiểm xã hội. Từ đó, những chính sách cần linh hoạt, đáp ứng nhu cầu cá nhân hoá.
Trao đổi về đề xuất chỉ được hưởng 8% khi rút bảo hiểm xã hội một lần, bà Hương phân tích, khi chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí, người lao động chỉ nên rút số phần trăm mình tham gia.
"14% chủ sử dụng đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm xã hội. Đây là phần nhà nước, doanh nghiệp đóng để lo tương lai của người lao động. Khi tuổi họ đã cao, không còn sức lao động sẽ có lương hưu để trang trải cuộc sống" - bà Hương chia sẻ.
Lương hưu là yếu tố cần thiết cho mỗi người khi về già, tránh sự phụ thuộc. Song, mức hưởng lương hưu còn căn cứ vào số năm đóng và mức đóng. Vì vậy, nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, sẽ mất đi số năm tham gia bảo hiểm xã hội. Như vậy, nếu có đóng tiếp, mức hưởng lương hưu sau này của người lao động sẽ không cao.
Theo bà Hương, phần của doanh nghiệp đóng sẽ tạm giữ lại đến khi người lao động hết tuổi lao động thì được hưởng. Như vậy, đây thể hiện sự chia sẻ, vai trò của nhà nước, doanh nghiệp lo cho tương lai của người lao động.
Không có quốc gia nào cho rút bảo hiểm xã hội một lần mà không có điều kiện. Chuyên gia này ví dụ trường hợp đóng 10 năm, người lao động có quyền rút, hoặc 10 năm được hưởng hưu trí tối thiểu. Nếu người lao động tham gia được 7 năm thì nhà nước giữ số tiền 3 năm. Nếu cần, người lao động chỉ được rút phần họ đã đóng.
Doanh nghiệp tham gia đóng 14% vào quỹ bảo hiểm xã hội thể hiện trách nhiệm xã hội, chia sẻ rủi ro. Lúc còn trẻ, người lao động chưa đối mặt rủi ro như sức khoẻ suy giảm, không có thu nhập thì chưa thể chia sẻ" - bà Hương nói.
Song theo chuyên gia này, trong cuộc sống, người lao động sẽ gặp nhiều biến cố, có những lúc gặp khó khăn. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Vì vậy, chúng ta làm chính sách phải linh hoạt, quan tâm đến nhu cầu của người lao động" - bà Hương nhấn mạnh.