Tham gia Hội thảo có TS.Thái Quỳnh Mai Dung, Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, các nhà khoa học, các Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, lãnh đạo các Liên đoàn Lao động, Công đoàn ngành, các Viện nghiên cứu…
Tập trung đẩy mạnh chất lượng cán bộ thông qua đào tạo
Theo TS.Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn, việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có nhiều tác động đến các lĩnh vực, trong đó có hoạt động Công đoàn.
Một trong những tác động, ảnh hưởng đó là có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Do đó, đặt ra vấn đề phải nhanh chóng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn nói chung, nhất là cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công đoàn cấp cơ sở.
Tham luận tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng và đưa ra những giải pháp cho công tác đào tạo cán bộ Công đoàn nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ Công đoàn trong điều kiện Việt Nam thực hiện CPTPP và EVFTA; đào tạo cán bộ Công đoàn trong bối cảnh mới…Trong đó, có nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn.
Hội thảo cũng trao đổi những vấn đề thực tế, thực tiễn đang đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn hiện nay, những giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn ở từng cấp Công đoàn, nhất là cấp Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp và những giải pháp để đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn để đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Theo PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn, để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Công đoàn, cần nghiên cứu biên soạn các giáo trình, tài liệu, tư liệu phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, theo nhiều cấp độ, nhiều đối tượng, nhằm giúp cho cán bộ Công đoàn có nhiều tài liệu nghiên cứu, học tập và tham khảo.
Đặc biệt cần tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp đào tạo, theo hướng vừa truyền đạt kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, vừa đào tạo phương pháp tiếp cận nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo của người học, khuyến khích người học tổng kết thực tiễn, vận dụng lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng tổ chức hoạt động, kỹ năng vận động, thuyết phục, xử lý, giải quyết những tình huống phát sinh của cán bộ Công đoàn…
Trao đổi về việc nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ Công đoàn trong điều kiện Việt Nam thực hiện CPTPP và EVFTA, TS. Nguyễn Thị Hà – Phó viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh đến việc phải nâng cao nhận thức của các cấp Công đoàn về vai trò của công tác đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ công đoàn trong bối cảnh mới. Nội dung đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ công đoàn trong bối cảnh mới trước hết vẫn cần đảm bảo những nội dung chương trình đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý nói chung theo trình độ đào tạo (trung cấp, cao cấp)…
Trong những năm qua Tổng Liên đoàn đã có nhiều chỉ đạo, định hướng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn, cụ thể đã được thể hiện trong các nghị quyết như: Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ, ngày 04.03.2010 của BCH Tổng Liên đoàn (khóa X) về “Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn giai đoạn 2010-2020”, trong đó xác định nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn là nhiệm vụ trọng tâm, là yếu tố quan trọng đảm bảo thành công của hoạt động công đoàn. Nghị quyết số 03/NQ-TLĐ ngày 11.01.2019 của BCH Tổng Liên đoàn (khoá XII) về “Công tác cán bộ công đoàn trong tình hình mới”. Nghị quyết số 10b/NQ-BCH ngày 12.12.2020 của BCH Tổng Liên đoàn (khoá XII) “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong giai đoạn mới”.
Theo TS.Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội - khi tổ chức người lao động ra đời, các đối tác của Công đoàn Việt Nam như các tổ chức công đoàn quốc tế, các tổ chức công đoàn quốc gia, ILO, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) … sẽ có thêm lựa chọn để hợp tác, thông qua đó để hỗ trợ, phối hợp và triển khai các hoạt động.
Điều đó sẽ dẫn đến sự phân tán nguồn lực hỗ trợ của các đối tác nước ngoài. Điều này đòi hỏi đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam vừa phải tìm kiếm, mở rộng các đối tác mới, đồng thời giữ được các đối tác truyền thống, tận dụng những kinh nghiệm, kỹ thuật, phương pháp và tài chính từ các đối tác quốc tế phục vụ sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời thông qua quá trình hợp tác để tranh thủ sự ủng hộ trong các diễn đàn hoặc vấn đề quốc tế.
Để làm được điều này, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải phù hợp với từng đối tượng để xây dựng được đội ngũ cán bộ Công đoàn có trình độ, năng lực, kỹ năng hoạt động…
Tổng Liên đoàn đặc biệt quan tâm công tác đào tạo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Phan Văn Anh khẳng định đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn luôn được Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặc biệt quan tâm. Thực tế hiện nay đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ Công đoàn đủ mạnh để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Năm 2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lấy chủ đề hoạt động của năm là “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở”. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là “Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở. Tập trung đầu tư cho công tác đào tạo nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chủ chốt Công đoàn cơ sở…”. Tổng Liên đoàn cũng đã dành 10% tổng chi hàng năm để tập trung đầu tư cho công tác đào tạo, điều đó đã thể hiện sự quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở của Tổng Liên đoàn.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cũng đề nghị Trường Đại học Công đoàn tiếp thu, tổng hợp, phân tích các ý kiến tại Hội thảo để nghiên cứu xây dựng chương trình kế hoạch đào tạo trong quá trình đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp để đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện Việt Nam là thành viên và tham gia thực hiện các Hiệp định trên.
Tầm nhìn đến năm 2030 của Trường Đại học Công đoàn: Trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín trong khu vực về công nhân, công đoàn, quan hệ lao động, an toàn, vệ sinh lao động.