Đại hội lần thứ 5 của Tổng Công đoàn Quốc tế: “Một khế ước xã hội mới"

Dương Xuân Hiếu |

Nhận lời mời của Tổng Công đoàn Quốc tế (ITUC), Đoàn đại biểu Công đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải dẫn đầu đã tham dự Đại hội lần thứ 5 của ITUC tổ chức tại thành phố Melbourne, Australia từ ngày 17-22.11 với tư cách quan sát viên.

Làm rõ bối cảnh quốc tế với những khủng hoảng đang giao thoa

Với chủ đề “Một khế ước xã hội mới”, Đại hội có 598 đại biểu và 173 cố vấn, thư ký, phiên dịch, quan sát viên từ 212 tổ chức thành viên ở 126 quốc gia và vùng lãnh thổ (trên tổng số 334 tổ chức thành viên ở 166 quốc gia và vùng lãnh thổ), 80 quan sát viên từ các tổ chức không phải là thành viên, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế tham dự.

Đoàn đại biểu Công đoàn Việt Nam tham gia Đại hội. Ảnh: NVCC
Đoàn đại biểu Công đoàn Việt Nam tham gia Đại hội. Ảnh: Ban đối ngoại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Tại Đại hội lần này, ngoài việc thông qua báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính của nhiệm kỳ vừa qua, ITUC tiến hành thảo luận sửa đổi một số điều của Điều lệ, hoàn thiện Tuyên bố của đại hội về "Một khế ước xã hội mới", thông qua một số Nghị quyết đoàn kết, bầu Tổng Thư ký mới cũng như Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các vị trí lãnh đạo khác...

Gắn với chủ đề của Đại hội - "Một khế ước xã hội mới" tuyên bố của Đại hội làm rõ bối cảnh quốc tế với những khủng hoảng đang giao thoa trong thời kỳ hiện nay: Đại dịch toàn cầu và tác động tới sức khỏe, việc làm của người lao động, tác động của biến đổi khí hậu, xu thế phát triển của việc làm phi chính thức và việc làm phi tiêu chuẩn, bất bình đẳng giới, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài ngoại, chiến tranh và xung đột vũ trang... ITUC ghi nhận và ủng hộ vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, đánh giá cao việc Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc ghi nhận tầm quan trọng của việc hướng tới một khế ước xã hội mới.

Đoàn đại biểu Công đoàn Việt Nam đã tham dự tích cực tất cả phiên họp toàn thể cũng như một số Diễn đàn bên lề của Đại hội với các chủ đề đa dạng như: Tổ chức và tập hợp đoàn viên; Xây dựng phong trào công đoàn mang tính bao trùm; Chuyển đổi Công bằng... Bên lề Đại hội, đoàn đại biểu Công đoàn Việt Nam đã có các buổi làm việc, trao đổi về các lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới với các trưởng đoàn đại biểu của Tổng Công đoàn Nhật Bản (RENGO), Liên hiệp Công đoàn Hàn Quốc (FKTU), Đại hội Công đoàn Singapore (NTUC), Hội đồng Công đoàn Australia (ACTU)... cũng như làm việc với Tổng Thư ký và ban lãnh đạo mới của ITUC.

Trong lịch sử nhân loại thế kỷ 20, khế ước xã hội ở cấp độ toàn cầu được ghi nhận với sự ra đời của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vào năm 1919, ngay sau Thế chiến thứ nhất, Lời nói đầu của Hiến chương ILO ghi nhận vai trò của giai cấp công nhân, lao động đối với việc xây dựng và phát triển của tất cả các quốc gia, cũng như ghi nhận vai trò của công bằng xã hội nhằm duy trì nền hòa bình trên thế giới: “Một nền hòa bình phổ quát và bền vững chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở công bằng xã hội. Và xét rằng những điều kiện làm việc hiện nay chứa đựng những nỗi bất công, khổ cực và thiếu thốn đối với một số đông người sẽ gây ra tình trạng mất ổn định lớn tới mức khiến cho nền hòa bình và sự hòa hợp của thế giới có thể bị nguy hại”.

Cuối Thế chiến thứ hai, Hội nghị Lao động Quốc tế năm 1944 đưa ra Tuyên bố Philadelphia khẳng định: “Lao động không phải là hàng hóa” và “người lao động không phân biệt nòi giống, tín ngưỡng, giới tính đều có quyền mưu cầu phúc lợi vật chất và phát triển tinh thần trong điều kiện tự do và nhân phẩm, được an toàn về kinh tế và có cơ hội như nhau”. Tuyên bố này đã khởi xướng và được nhìn nhận như một khuôn mẫu cho Hiến chương của Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và được coi như một khế ước xã hội lần thứ hai. Đó là một bản tuyên bố đột phá vì công bằng xã hội thời hậu chiến, đặt ra những mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội rộng lớn không chỉ quan tâm đến thế giới lao động mà quan tâm tới toàn nhân loại.

"Một khế ước xã hội mới" trên nền tảng 6 cột trụ

Trước những thách thức toàn cầu mà lao động và Công đoàn trên thế giới đang phải đối mặt, bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề đại dịch và y tế toàn cầu, những tác động của quá trình chuyển đổi công nghệ nhanh chóng hiện nay, Đại hội kêu gọi xây dựng "Một khế ước xã hội mới" trên nền tảng 6 cột trụ: Việc làm, Quyền của lao động, Tiền lương, An sinh xã hội, Bình đẳng và Tính bao trùm.

Về việc làm, Đại hội khẳng định việc tạo ra việc làm thỏa đáng và an toàn là giải pháp thiết yếu để thế giới có thể vượt qua những tác động của đại dịch cũng như những khủng hoảng toàn cầu khác, hướng tới tương lai bền vững; kêu gọi các chính phủ và các định chế quốc tế đưa chính sách việc làm trở thành mục tiêu trọng tâm trong hoạch định chính sách; kêu gọi đặt ra mục tiêu tới năm 2030, thế giới tạo ra 575 triệu việc làm mới, đồng thời chính thức hóa ít nhất một nửa số việc làm phi chính thức trên toàn cầu...

Về quyền của lao động, Đại hội yêu cầu các chính phủ thực hiện các nghĩa vụ của mình nhằm bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế; cam kết hỗ trợ các công đoàn tận dụng tối đa các tiêu chuẩn và cơ chế giám sát tiêu chuẩn của ILO; khẳng định vai trò then chốt của thương lượng tập thể, đối thoại xã hội... và sẽ hỗ trợ các công đoàn thực thi các quyền này; cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác an toàn vệ sinh lao động tại mọi nơi làm việc của người lao động; kêu gọi thiết lập các quy định về nghĩa vụ của các tập đoàn đa quốc gia đối với toàn bộ chuỗi cung ứng...

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam  và Chủ tịch Hội đồng Công đoàn Australia. Ảnh: Xuân Hiếu
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải (thứ 3 từ phải sang) và Chủ tịch Hội đồng Công đoàn Australia Michele O'Neil (thứ 3 từ trái sang). Ảnh: Xuân Hiếu

Về tiền lương, Đại hội khẳng định vai trò thiết yếu của công tác xây dựng tổ chức, thương lượng tập thể và đối thoại xã hội để đạt được công bằng về tiền lương cho người lao động trong toàn bộ chuỗi cung ứng; tiếp tục kêu gọi việc xác định tiền lương tối thiểu đủ sống thông qua quy định pháp luật hoặc thương lượng; kêu gọi các chính phủ chấm dứt việc người sử dụng lao động áp dụng quan hệ lao động không rõ ràng, hình thức việc làm phi tiêu chuẩn nhằm giảm tiền lương, hạn chế quyền thương lượng tập thể của người lao động...

Về an sinh xã hội, Đại hội khẳng định cam kết của ITUC nhằm bảo đảm quyền an sinh xã hội cho tất cả mọi người, bao gồm sàn an sinh xã hội, và kêu gọi các chính phủ cùng các định chế quốc tế, dưới sự dẫn dắt của ILO, hiện thực hóa điều này; kêu gọi thành lập quỹ an sinh xã hội toàn cầu hỗ trợ các nước nghèo nhất; kêu gọi tăng đóng góp ít nhất 7% từ các quỹ hỗ trợ phát triển cho an sinh xã hội vào năm 2030 và tăng dần tới mức 14%; ủng hộ các biện pháp cải cách thuế bao gồm mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với doanh nghiệp, thuế giao dịch tài chính, thuế tài sản...

Về bình đẳng, Đại hội tái khẳng định cam kết của ITUC nhằm xây dựng một thế giới không có phân biệt đối xử về giới, chủng tộc, hệ tư tưởng, tôn giáo, địa vị xã hội và các khía cạnh khác; tái khẳng định cam kết xây dựng một phong trào công đoàn mang tính bao trùm, tập hợp người lao động không phân biệt hình thức việc làm, áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để tập hợp lao động với công việc phi chính thức, phi tiêu chuẩn, trên nền tảng công nghệ cũng như lao động thất nghiệp; phản đối sự bóc lột và né tránh trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với lao động di cư; tiếp tục đấu tranh bảo vệ quyền của dân tộc bản địa...

Về tính bao trùm, Đại hội đòi hỏi sự cải tổ căn bản hệ thống kinh tế toàn cầu, bao gồm các định chế theo hệ thống Bretton Woods hướng tới sự phát triển phục vụ toàn thể nhân loại; kêu gọi cải tổ hệ thống thương mại quốc tế, cụ thể là Tổ chức Thương mại Thế giới, thực hiện đàm phán thương mại trên cơ sở tham vấn với tổ chức Công đoàn, gắn với các tiêu chuẩn lao động, môi trường và bảo vệ dữ liệu cá nhân cùng với thủ tục giải quyết tranh chấp khả thi; tiếp tục vận động để thực hiện Tuyên bố Thế kỷ của ILO và sàn an sinh xã hội; tái khẳng định vai trò quan trọng của các chính phủ và các dịch vụ công có chất lượng để bảo đảm tính bao trùm...

Đại diện cho 97 triệu đoàn viên tại 166 quốc gia và vùng lãnh thổ, ITUC tổ chức Đại hội 4 năm 1 lần. Đại hội lần thứ 5 đã thông qua báo cáo nhiệm kỳ 2018-2022, thảo luận và thông qua Tuyên bố Đại hội, xác định những định hướng lớn của tổ chức trong thời gian tới. Đại hội đã bầu ban lãnh đạo mới nhiệm kỳ 2022-2026, ông Luca Visentini giữ vị trí Tổng Thư ký và bà Akiko Gono giữ vị trí Chủ tịch của tổ chức. Đại hội nhận được thông điệp chúc mừng trực tuyến của nguyên thủ, bộ trưởng lao động từ nhiều quốc gia trên thế giới. Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã tới dự và phát biểu tại Đại hội.

Tuyên bố của Đại hội khẳng định, vai trò của phong trào Công đoàn quốc tế với tư cách là lực lượng lớn mạnh, dân chủ và mang tính đại diện nhất trên thế giới. ITUC nhấn mạnh tầm quan trọng của tình đoàn kết quốc tế, duy trì sự trao đổi, thông tin hiệu quả và phối hợp hành động với các tổ chức công đoàn thành viên nhằm đạt được mục tiêu cải tổ hệ thống kinh tế toàn cầu. ITUC cũng nhận thức vai trò quan trọng của việc xây dựng liên minh với các tổ chức, các lực lượng tiến bộ cùng chia sẻ những giá trị và mục tiêu của phong trào Công đoàn – hòa bình, dân chủ, quyền con người, bình đẳng, phát triển, công bằng xã hội và kinh tế.

Dương Xuân Hiếu
TIN LIÊN QUAN

Kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội điểm Công đoàn cơ sở

Hải Anh |

Hà Nội – Công đoàn cơ sở xã Đại Đồng và Công đoàn Công ty TNHH Hanwa Aero Engines là những đơn vị được Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất chọn làm Đại hội điểm nhiệm kỳ 2023-2028, dự kiến diễn ra vào các ngày 10 và 12.12.2022.

"Tết sum vầy - xuân gắn kết” năm 2023 của Hà Nội có 1.000 CNLĐ tham gia

Hải Anh |

Hà Nội - Chương trình “Tết sum vầy - xuân gắn kết” năm 2023 do Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội tổ chức dự kiến có khoảng 1.000 công nhân lao động tham gia.

Chợ Tết Công đoàn Hà Nội năm 2023: 5.000 người lao động khó khăn được tặng phiếu mua sắm

T.Trà |

Chương trình “Chợ Tết Công đoàn” năm 2023 do LĐLĐ Thành phố Hà Nội dự kiến tổ chức trong các ngày 9-10.1.2023 (ngày 18,19 tháng Chạp, năm Nhâm Dần) tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô. Chợ Tết Công đoàn có khoảng 50 gian hàng với trên 40 doanh nghiệp tham gia cung cấp những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết cho đoàn viên, CNLĐ trên địa bàn thành phố. Mỗi sản phẩm sẽ giảm giá bán ít nhất là 10% so với giá niêm yết.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội điểm Công đoàn cơ sở

Hải Anh |

Hà Nội – Công đoàn cơ sở xã Đại Đồng và Công đoàn Công ty TNHH Hanwa Aero Engines là những đơn vị được Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất chọn làm Đại hội điểm nhiệm kỳ 2023-2028, dự kiến diễn ra vào các ngày 10 và 12.12.2022.

"Tết sum vầy - xuân gắn kết” năm 2023 của Hà Nội có 1.000 CNLĐ tham gia

Hải Anh |

Hà Nội - Chương trình “Tết sum vầy - xuân gắn kết” năm 2023 do Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội tổ chức dự kiến có khoảng 1.000 công nhân lao động tham gia.

Chợ Tết Công đoàn Hà Nội năm 2023: 5.000 người lao động khó khăn được tặng phiếu mua sắm

T.Trà |

Chương trình “Chợ Tết Công đoàn” năm 2023 do LĐLĐ Thành phố Hà Nội dự kiến tổ chức trong các ngày 9-10.1.2023 (ngày 18,19 tháng Chạp, năm Nhâm Dần) tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô. Chợ Tết Công đoàn có khoảng 50 gian hàng với trên 40 doanh nghiệp tham gia cung cấp những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm dịp Tết cho đoàn viên, CNLĐ trên địa bàn thành phố. Mỗi sản phẩm sẽ giảm giá bán ít nhất là 10% so với giá niêm yết.