Tuyển được rất ít lao động
Phiên giao dịch cũng thực hiện kết nối trực tuyến giữa 3 cơ sở của Trung tâm tại quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hải Châu và liên kết cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Trị để thuận tiện trong việc kết nối giữa người lao động (NLĐ) và nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, hầu hết NLĐ đến phiên giao dịch việc làm ở độ tuổi trung niên, phần lớn bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua và gần như vắng bóng người trẻ. Ông Trương Phú Một, sinh năm 1962, ở Quảng Nam ra Đà Nẵng thuê trọ ở để thuận tiện chăm sóc con trai bị khuyết tật. Ông Một mang hồ sơ đến Phiên giao dịch việc làm với mong muốn tìm được vị trí bảo vệ ban ngày để có tiền trang trải cuộc sống. “Năm ngoái tôi làm bảo vệ tại một cơ sở dịch vụ, nhưng dịch nên việc ít, thu nhập cũng bấp bênh nên giờ chú tìm việc mới. Nếu làm buổi tối thì hơi bất tiện bởi không ai ở với con, nên tôi vẫn mong có được việc và được tạo điều kiện để làm việc”, ông Một chia sẻ.
Tại Phiên giao dịch việc làm, nhiều đơn vị không thể kết nối với NLĐ do khá ít người tới, hoặc do nhu cầu về độ tuổi, tính chất công việc không thể làm buổi tối, mang vác nặng... Đại diện Cty TNHH Tịnh Bình tới phỏng vấn trực tiếp muốn tuyển dụng 100 công nhân và kỹ thuật may nhưng cả buổi sáng vẫn chưa có hồ sơ nộp vào. “Bình thường mọi năm đến phiên giao dịch chúng tôi vẫn liên kết, phỏng vấn đạt khoảng 50% LĐ theo yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên đợt này chúng tôi chỉ tuyển được rất ít”, đại diện Cty TNHH Tịnh Bình cho biết.
Sẽ tuyển trực tuyến đến từng địa phương
Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các DN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cần tuyển hơn 3.000 LĐ. Tuy nhiên các phiên giao dịch việc làm trực tiếp hay online đều trong cảnh “vắng như chùa Bà Đanh”. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trở lại ở Đà Nẵng dịp cuối năm, với số ca mắc rất lớn khiến tâm lý người dân hoang mang lo sợ. Xa hơn là sau một thời gian dài thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” để phòng chống dịch COVID-19, nhiều DN phải thực hiện “3 tại chỗ”, hoạt động khoảng 30-50% công suất hoặc tạm dừng sản xuất, kinh doanh kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận LĐ mất việc làm phải rời khỏi thị trường lao động. Khi thành phố bắt đầu trở lại trạng thái “bình thường mới”, một số DN bắt đầu khôi phục sản xuất để bù đắp lại các đơn hàng đã bị trễ trước đó thì lại thiếu hụt LĐ trầm trọng do người lao động ngoại tỉnh sau khi về quê tránh dịch (khoảng 20.000 người) đã không quay lại với rất nhiều lý do.
Đáng nói là sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Đà Nẵng đã thực sự “bình thường mới”, dịch COVID-19 đã không còn là vấn đề đối với thị trường việc làm, nhưng các DN vẫn không thể tuyển được lao động. “Chúng tôi đang rất đau đầu bởi DN hiện nay đang rất “khát” lao động do NLĐ tìm kiếm việc làm rất ít. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Trung tâm đã tăng cường kết nối, mời gọi lao động, mời gọi doanh nghiệp, phối hợp với các quận, huyện tổ chức chương trình hội nghị tuyên truyền về giải quyết việc làm nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn”, ông Diệp cho biết.
Cũng theo ông Diệp, thời gian qua, Sở LĐTBXH, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp, cách làm mới để giúp các DN tìm LĐ ngoài các phiên giao dịch việc làm hàng tuần. Gần nhất, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng phối hợp với Phòng Lao động Thương binh Xã hội quận Thanh Khê và các DN “mang” nhu cầu việc làm xuống tận 10 phường của quận Thanh Khê để tư vấn, giới thiệu...