Theo báo cáo xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì năm 2023 hầu hết các quốc gia sẽ không thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch, việc làm toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng việc làm 2,3% của năm 2022.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,2 triệu người trong quý I/2023. Tuy nhiên, tốc độ tăng lực lượng lao động có dấu hiệu chậm lại.
8.644 doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp), trong đó, chiếm 27,4% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 72,18% doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Doanh nghiệp thuộc vùng Đông Nam Bộ cắt giảm lao động lớn nhất; sau đó đến doanh nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp gặp khó khăn thuộc ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử,…
Số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng việc làm là 509.903 người, trong đó, số lao động thôi việc, mất việc làm chiếm 54,79%.
Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Trong đó, 17.003 người bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương. Số lao động chưa qua đào tạo thôi việc, mất việc nhiều nhất, với tỉ lệ 68%.
Tỉ lệ lao động là thợ may, thợ lắp ráp thôi việc, mất việc cao nhất và số lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thôi việc, mất việc nhiều nhất.
Theo báo cáo của các địa phương, trung bình mỗi năm, đã tổ chức hơn 1.600 phiên giao dịch việc làm. Bình quân, mỗi phiên giao dịch thu hút từ 25-30 doanh nghiệp; khoảng 350-450 người lao động tham gia.
Số lao động tìm được việc làm qua các phiên giao dịch việc làm chiếm khoảng 35 đến 40% số lao động đăng ký tư vấn việc làm. 1.600 phiên giao dịch việc làm là con số rất lớn.
Để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch việc làm, gỡ khó cho thị trường lao động, Báo Lao Động tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề "Đa dạng phiên giao dịch việc làm nhằm gỡ khó cho thị trường lao động".
Chương trình sẽ được tường thuật trên Báo Lao Động điện tử laodong.vn.
Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra từ ngày 6-8.6. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn.
Một trong những nhóm vấn đề chất vấn với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.