Cuộc thi "Viết về người lao động - viết cho người lao động": Ước mơ trên công trường xây dựng

TRẦN VĂN TƯỜNG - (Kỹ sư xây dựng) |

Trên công trường đường Nguyễn Huệ (TPHCM), mỗi người một hoàn cảnh, đến từ các vùng quê, khác nhau về tính cách, lại giống nhau về mục đích mưu sinh. Là cán bộ của chủ đầu tư ra công trường, tôi được tiếp xúc chuyện trò với các anh chị em công nhân.

Vui vẻ chấp nhận với công việc

Mảng bêtông như cứ trơ ra dù mũi khoan luôn dai dẳng. Mũi khoan được rút lên rồi cắm xuống tạo ra tiếng kêu ren réc. Mảng bêtông từ từ nứt ra, rời rạc… Vừa khoan xong một vị trí phá vỡ bêtông để lắp đặt trụ ngăn xe. Đặt máy khoan xuống nền đá granit, tay trái đưa lên mặt quẹt vệt mồ hôi đang nhễ nhại, anh nói: “Làm công nhân cầu đường điều đầu tiên phải có sức khỏe, chịu mưa nắng, khói bụi công trường” - anh Trần Minh Hoàng, 45 tuổi, quê Thanh Hóa, công nhân cầu đường có thâm niên 15 năm.

Những ai từng làm công nhân cầu đường mới cảm nhận hết sự vất vả, nặng nhọc. Tôi thử dùng hai tay cầm cái máy khoan mà anh Hoàng mới vừa đặt xuống, đưa lên tới ngang bụng cứ ngỡ như đang tập tạ. Thế mà các anh công nhân khoan phá vỡ bêtông hết chỗ này đến chỗ khác, bao nhiêu trụ ngăn xe là bấy nhiêu chỗ phải khoan bêtông.

Miệt mài với công việc dưới cái nắng như phơi khô người, anh Hoàng chỉ mặc “độc” nhất cái quần jean đã sờn màu, chiếc áo sơmi cũ kỹ. Tôi thắc mắc, sao anh không mặc đồ bảo hộ để an toàn và chống nắng? “Có đồ bảo hộ đâu mà mặc? Mà mặc đồ bảo hộ vướng víu lắm! Làm công nhân phải vậy thôi” - anh Hoàng nói và như đã cam chịu.

Làm công nhân cầu đường lâu như vậy, chứ anh Hoàng không ở một công ty nào cố định. “Làm xong công trình này đến công trình khác, lúc ở TPHCM, lúc ở các tỉnh miền Trung vì đi theo công trình, đồng nghiệp giới thiệu ở đâu thì mình làm ở đó, làm bất cứ công việc gì trên công trường chứ không phân biệt nặng nhẹ” - anh Hoàng nói. “Thợ đụng mà, đụng cái gì thì làm cái đó, miễn là có việc làm và có thu nhập là mừng lắm rồi” - anh Hoàng nói và cười thật to.

Công trường lúc này đang buổi xế chiều nhưng vẫn còn cái nắng gay gắt chiếu xuống nền đường Nguyễn Huệ làm cho lớp bêtông ximăng và lớp đá granit càng lúc càng bốc lên hơi nóng hừng hực, hứng chịu trực tiếp cái nắng nóng là công nhân cầu đường. Trên công trường luôn tất bật, hối hả, bụi mù mịt… Tiếng máy móc và các thiết bị đang thi công tạo ra âm thanh giống như “tra tấn” người nghe đến đinh tai, nhức óc.

Nhiều đội thi công từ 5-15 người cứ tất bật với công việc, quên đi mọi thứ xung quanh, quên cả cái thời tiết khắc nghiệt mùa khô. Đối diện với cái nắng, chống cái nóng bằng những thùng nước đá. Tôi đang nói chuyện với anh Du thì có giọng hỏi vọng ra: “Ở đó còn nước đá không? Bình này hết cả đá lẫn nước!” - giọng anh công nhân thuộc Công ty Liên Hoàn Mỹ đang loay hoay tìm bình nước đá. Khi tôi hỏi về cái nắng nóng có làm anh khó chịu? “Nắng nóng còn dễ chịu hơn là không có tiền trong túi” - anh Du trả lời tỉnh queo! Dễ hiểu cho công việc làm ngoài trời, mưa với nhiều người là “mát” nhưng với công nhân cầu đường là “mất”, mất ngày công, mất nguồn thu nhập. Công việc nặng nhọc, vậy còn mong trời đừng mưa. Tôi cảm phục công nhân cầu đường, suy cho cùng cũng vì mưu sinh cho gia đình, ngẫm nghĩ: “Cuộc đời còn lắm khó khăn/ Nóng 40 độ vẫn miệt mài nắng trưa/ Lại mong trời đừng đổ mưa/ Để lo cuộc sống mưu sinh kiếp người”.

Bóng hồng trên công trường

Điều bất ngờ, nhiều phụ nữ làm công nhân trên công trường cải tạo nâng cấp đường Nguyễn Huệ. Ngoài những chị đã ngoài 50 tuổi, có 5 cô gái vừa bước sang tuổi đôi mươi. Tất cả đều “quần quật” với công việc lẽ ra dành cho nam giới như trộn bêtông, đẩy xe, khiêng gạch, cát, đá… Dù đang giữa buổi xế chiều, cái nắng gắt vẫn cứ theo đuổi như muốn “đe dọa” làn da - nhưng các nữ công nhân vẫn miệt mài với công việc.

Đang lụi hụi trít ke hở giữa các miếng đá granit, ngước lên rồi lấy nón ra, tay phải cầm nón quạt lia lịa, tay trái lấy khăn quấn cổ lau những giọt mồ hôi lăn dài trên má - chị tên Trương Thị Thắm, 55 tuổi, quê Trà Vinh, một trong những nữ công nhân lớn tuổi nhất trên công trường. Chị nói, “cảm thấy vui và tự hào khi được làm ở công trình này, dù có cực đến đâu cũng cố gắng làm tốt công việc”.

“Cứ sáng trước khi đi làm, xoa kem khắp người để chống nắng. Dù xoa kem và che kín người nhưng da vẫn đen” - chị Thắm nói về cách chống nắng. Vừa dứt lời, chị đứng bật lên lật đật xách thùng nhựa đi pha bột trít. Nhìn theo dáng chị - người tuy hơi “gồ ghề” nhưng thao tác rất nhanh nhẹn, mạnh mẽ, dứt khoát.

Bêtông trộn xong, nữ công nhân vận chuyển bằng cút kít hay còn gọi là xe rùa đến từng nơi thi công. Có những lúc không thể sử dụng xe rùa do vướng mặt bằng, chướng ngại vật, nữ công nhân phải dùng thùng nhựa để xách bêtông. “Dùng 2 tay đẩy xe đi sao cho có trớn chứ chậm lại thì xe sẽ ỳ và nặng, nếu đẩy xe đi nhanh quá dễ bị cuốn theo xe, chỉ cần lơ đễnh chút xíu là ngã đổ bêtông sẽ bị la rầy” - một nữ công nhân cho biết. Chị nói thêm: “Lúc mới vào công trường, đẩy xe và xách các thùng đựng bêtông làm cho tay em bị phồng rộp, bây giờ cũng đã quen” - chị tên Hạnh, 25 tuổi, quê Hà Tĩnh.

Chị Hạnh là con cả trong gia đình, cha mất lúc chị 12 tuổi và đứa em trai chỉ mới đi chập chững, người mẹ tảo tần đi làm thuê nhưng cũng không đủ tiền lo cho 2 con ăn học, Hạnh học đến lớp 10 thì nghỉ. “Đời em xem như thất học, vất vả. Gì thì gì, cũng ráng kiếm tiền gửi về nuôi đứa em cho nó ăn học đàng hoàng, không thể để nó giống như mình” - chị Hạnh nói về mục đích đi làm.

“Lương tính theo ngày và tuỳ thâm niên mỗi người nhận được có khác nhau nhưng chênh lệch không nhiều, lương từ 150.000 đến 180.000 đồng/ngày. Nhà nghèo, ở quê không có việc nên lên Sài Gòn “mần” kiếm tiền nuôi con ăn học” - Đó là chia sẻ của chị Lâm, 41 tuổi, quê Trà Vinh. Tôi hỏi, người mới vào làm có bị bắt nạt? “Ở đây không có chuyện ma cũ ăn hiếp ma mới. Đều khó khăn như nhau, giúp nhau còn không hết” - chị Lâm 
trả lời.

Con gái của chị Lâm đang học ngành Kế toán tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã được 3 năm, còn hơn một năm nữa là tốt nghiệp ra trường. Nhắc đến cô con gái, chị Lâm rất đỗi tự hào và cho biết: “Đời mình đã thất học nên vất vả lắm rồi, dù cực khổ đến đâu cũng phải lo cho con mình học đến nơi đến chốn”. Chị Lâm đã làm tôi nhớ lại câu chuyện của một chú cùng quê Quảng Ngãi vào TPHCM đạp xích lô rồi chạy xe ôm để nuôi đứa con trai ăn học thành tài. Sau đó, con trai của chú ấy đã đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế, nhận bằng tiến sĩ lúc chưa tới 30 tuổi.

Làm công nhân vốn đã vất vả, với công nhân cầu đường lại càng nặng nhọc hơn bội phần. Không ai muốn làm cả ngày ở ngoài nắng, ăn cơm bụi nhiều hơn ăn cơm nhà, xa gia đình. Song vì mưu sinh, trang trải chi tiêu hằng ngày, tiền học hành cho con cái… Người công nhân cầu đường lúc nào cũng mong làm tốt công việc và có thu nhập, đồng tiền kiếm được từ giọt mồ hôi mặn chát còn để nuôi dưỡng ước mơ cho những đứa con, đứa em học hành để sau này trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, cử nhân… Và cuộc sống mưu sinh của người công nhân cứ thế xoay vòng theo năm tháng.

Báo Lao Động mời bạn đọc tham gia cuộc thi “VIẾT VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG - VIẾT CHO NGƯỜI

LAO ĐỘNG”

Đối với các ấn phẩm trên báo in Báo Lao Động

- Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, khách quan, kịp thời. Mỗi tác phẩm không quá 1.700 chữ và ít nhất 1 ảnh, khuyến khích tác phẩm gửi kèm nhiều ảnh.

- Tác phẩm dự thi ngoài bút danh (nếu có) phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, thư điện tử (email) của tác giả.

- Tác phẩm dự thi gửi qua email hay đường bưu điện phải ghi rõ: Bài dự thi cuộc thi viết “VIẾT VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG - VIẾT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG”.

- Ban Tổ chức không hoàn trả tác phẩm dự thi.

Đối với tác phẩm video:

- Tác phẩm dự thi có thời lượng không quá 5 phút.

- Ngoài bút danh (nếu có) phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, hòm thư điện tử (email) của tác giả.

- Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi về: Ban TKTS, Báo Lao Động, số 6 phố Phạm Văn Bạch, P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.

(Bì thư ghi rõ: Tham gia Cuộc thi

Thư điện tử theo địa chỉ: thivietvelaodong@laodong.com.vn

Kính mời bạn đọc cả nước tham gia.

BBT BÁO LAO ĐỘNG

TRẦN VĂN TƯỜNG - (Kỹ sư xây dựng)
TIN LIÊN QUAN

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Những công trình cổ xưa nhất thế giới hút du khách

Vân Hoa |

Bên cạnh Những bức tượng bí ẩn ở Đảo Phục Sinh hay Đại kim tự tháp Giza, nhiều công trình kiến ​​trúc thế giới vẫn đứng vững sau nhiều thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ.