Khó khăn chồng khó khăn...
Từ sau nghỉ Tết đến nay, hết dịch COVID-19 bùng phát rộng đến vật giá leo thang do tác động của giá xăng, dầu tăng cao đã khiến cuộc sống của công nhân nghèo, lao động có thu nhập thấp vốn đã bấp bênh, thiếu thốn lại càng khó đủ bề.
Anh N.V.T (26 tuổi, công nhân Công ty TNHH Ha Hae Việt Nam có trụ sở tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), chia sẻ, sau Tết khoảng chục ngày thì cả hai vợ chồng anh đều bị mắc COVID-19.
Con trai đầu của vợ chồng anh mới gần 2 tuổi phải nhờ ông bà nội trông coi, chăm sóc trong suốt hơn chục ngày bố mẹ phải ở riêng để cách ly, điều trị.
“Vợ tôi cũng là công nhân, đang mang bầu cháu thứ 2 được 34 tuần tuổi. Lúc cả 2 vợ chồng bị COVID-19 thực sự cả gia đình tôi đều rất lo lắng, bởi vợ tôi chưa được tiêm phòng vaccine do khi đến lịch tiêm thì cô ấy mang bầu đã lớn. Trong thời gian bị COVID-19, vợ tôi vốn thể trạng đã yếu lại không ăn uống được nhiều, người mệt mỏi. Đến khi bầu được 35 tuần tuổi, vợ tôi phải nhập Bệnh viện Phụ sản Thái Bình để các bác sĩ theo dõi, chăm sóc vì cháu dọa đẻ non” - anh T lo lắng kể.
Sau khoảng 2 tuần ở bệnh viện, chị T vợ anh T xin được về nhà để tiếp tục bồi bổ, nghỉ dưỡng thai. Dự kiến, khi thai khoảng 38 tuần tuổi sẽ quay trở lại bệnh viện chờ sinh.
“Thứ nhất ở bệnh viện khá tốn, mỗi ngày sẽ mất trung bình khoảng 300.000 đồng, lại phải có mẹ vợ lên trông nom. Thứ 2 là thời buổi dịch bệnh, ở bệnh viện rất bí bách, khó chịu nên gia đình tôi quyết định tạm đưa vợ tôi về nhà. Hằng tháng lương của hai vợ chồng cũng được khoảng 15 triệu đồng nhưng đủ khoản phải chi như ăn uống, xăng cộ, đám xá. Cuối năm ngoái chúng tôi tích cóp mãi mới dành dụm ra được hơn chục triệu đồng phòng khi sinh đẻ, nhưng vì thai không được khỏe mà mẹ lại mắc COVID-19 nên khoản để dành gần như đã phải dùng gần hết” - anh T chia sẻ.
Ăn uống kham khổ
Còn anh T.K.N (43 tuổi, công nhân Công ty CP May xuất khẩu Việt Thái ở phường Quang Trung, TP.Thái Bình) cho biết, nhà anh có 3 con trai, cháu bé nhất đang học lớp 1, cháu đầu đang học lớp 10 bổ túc.
Theo anh N, anh làm công nhân may tại công ty đến nay đã gần 20 năm, chưa khi nào cảm thấy đồng lương của mình so với nhu cầu, chi phí lại cách xa nhau đến vậy.
“Lương của tôi dao động từ 5 - 7 triệu đồng, vợ tôi làm tự do tháng cũng chỉ được khoảng 5 triệu đồng. Trước đây, nếu chịu khó dè xẻn, bóp mồm bóp miệng thì cơ bản vừa đủ cho sinh hoạt, chi tiêu gia đình, nhưng thời điểm này cả nhà đều phải co cóp hơn rất nhiều. Ví dụ như từ nhà tôi đến công ty khoảng 3km, trước đây tiền xăng không phải là vấn đề quá lớn, nhưng bây giờ cũng số tiền đó mua xăng nhưng chỉ đi được số ngày bằng nửa lúc trước. Đau đầu nhất là khi ra chợ, không biết mua gì, ăn gì cho hợp túi tiền. Hôm rồi mua 15.000 đồng tiền đậu phụ rán thì giật mình vì chỉ được đưa số đậu bằng nửa so với trước đây, tôi còn tưởng người ta bán nhầm, bán thiếu cho mình” - anh N cho hay.
Theo ghi nhận, tại xã Phú Xuân và Tân Bình (TP.Thái Bình) là khu vực có nhiều nhà trọ, phòng trọ cho công nhân nghèo làm việc trong các khu công nghiệp lân cận như KCN Nguyễn Đức Cảnh, KCN Phúc Khánh, KCN TBS Sông Trà thuê, đời sống của công nhân ở trọ còn khó khăn hơn rất nhiều.
“Tiền lương không tăng nhưng giá các loại thực phẩm, tiền thuê trọ... lại thi nhau tăng nhiều. Ngoài tiền thuê phòng trọ khoảng 800.000 đồng/tháng, nào tiền điện, nước, tiền ga, tiền xăng... cái gì cũng tăng. Buổi sáng gần như không dám ăn sáng, có thì chỉ củ khoai luộc hay gói mì tôm úp, 10.000 đồng xôi hay bánh mì, buổi trưa ăn bữa chính ở công ty, tối về thì chỉ ăn nhẹ nhàng khoảng 25.000 đồng để cắt giảm chi tiêu may ra mới có 1 chút dư nhằm dành dụm” - chị H.T.P (25 tuổi, công nhân Công ty TNHH TAV - May Việt Mỹ, KCN Nguyễn Đức Cảnh hiện đang thuê phòng trọ tại xã Phú Xuân, TP.Thái Bình), cho biết.