Sự việc xảy ra tại Công ty TNHH C.T Việt Nam đóng trong Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước 1, thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương vào sáng 19.7. Đây là doanh nghiệp có công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn các KCN Bến Cát, tổng số lao động 500 người, vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất dây giày.
Công đoàn tỉnh Bình Dương cho biết, vào sáng cùng ngày, nhiều công nhân lao động Công ty TNHH C.T Việt Nam đã ngừng việc. Nguyên nhân công nhân ngừng việc vì muốn yêu cầu công ty công bố điều chỉnh tăng lương cơ bản.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, có 100 công nhân bộ phận dập đầu dây cột giày ngừng việc. Thời gian ngừng việc từ 7h30 - 9h.
Sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng thành phố Bến Cát đã có mặt để phối hợp xử lý vụ việc. Sau khi trao đổi, kết quả, công ty đã thông báo điều chỉnh tăng lương cơ bản cho tất công nhân thêm 294.000 đồng/người/tháng.
Theo đó, lương cơ bản từ 4.914.000 lên 5.208.000 đồng. Như vậy bao gồm các khoản phụ cấp, công ty có mức thu nhập thấp nhất là 6.800.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm tăng ca).
Đến 9h cùng ngày, tất cả công nhân ngừng việc đã quay trở lại làm việc bình thường.
Hiện cán bộ công đoàn tỉnh Bình Dương vẫn đang theo dõi tình hình quan hệ lao động tại đây để có hướng xử lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Mức lương cơ bản khó đáp ứng cuộc sống của người lao động
Ngày 30.6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1.7.2024. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% từ.
Bình Dương thuộc Vùng I, gồm các thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo có mức lương tối thiểu vùng 4.960.000 đồng (trước khi tăng). Khi tăng thêm 6%, tương ứng với khoảng 280.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 23.800 đồng.
Theo ghi nhận, tại Bình Dương nhiều doanh nghiệp đã trả lương cơ bản cao hơn quy định mức tối thiểu vùng. Thu nhập chưa tăng ca của người lao động giao động trung bình từ 5,3-7 triệu đồng. Tuy nhiên với mức lương này, người lao động phải chi trả nhiều khoản, tiền ăn, thuê nhà trọ, điện nước, học phí... khiến người lao động phải tằn tiện mới đủ sống.
Công đoàn sẽ giám sát việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, đã chỉ đạo CĐCS đề xuất và giám sát người sử dụng lao động có trách nhiệm triển khai và thực hiện mức lương tối thiểu theo đúng quy định mới. Trường hợp thang lương, bảng lương của doanh nghiệp không còn phù hợp thì rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đồng thời, phối hợp rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với Nghị định số 74/2024/NĐ-CP.