Công nhân vất vả bám trụ thành phố

Đỗ Phương |

Hằng ngày vùi đầu vào làm việc, có những ngày phải làm gần 12 tiếng, nhiều công nhân chấp nhận cuộc sống như vậy chỉ mong cuối tháng nhận lương cao hơn chút để có thể bám trụ lại thành phố, lo cho gia đình.

Mỗi ngày làm việc quần quật 12 tiếng

Hà Thị Duyến (sinh năm 1998, quê Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá), hiện là công nhân (CN) Công ty (Cty) Hoya Glass Disk - Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội. Duyến dáng người nhỏ nhắn, mặc chiếc áo thun màu nâu sờn đã cũ. Nhìn vào những vết chân chim trên khuôn mặt, không ai nghĩ Duyến mới 22 tuổi. Có lẽ vì phải thức khuya làm việc nhiều?!

Duyến mới ra Hà Nội làm việc được 2 tháng nay, ở quê trả lương thấp nên hai vợ chồng đành ra Thủ đô xin việc. Hiện lương của Duyến được khoảng 8 triệu đồng/tháng, nếu làm ca kíp và làm cả cuối tuần, lương cũng được hơn 9 triệu đồng/tháng.

Duyến cùng chồng thuê phòng trọ giá hơn 400.000 đồng/tháng ở gần với nơi làm, hai vợ chồng có một bé gái 3 tuổi đang gửi ở quê cho ông bà. Chồng của cô làm thợ xây, lương của cả 2 được 15 triệu đồng/tháng, số tiền này sau khi trả hết các sinh hoạt phí, gửi về cho ông bà nuôi con thì giữ lại được một nửa.

Duyến đi làm 12 tiếng/ngày, từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối hoặc ngược lại, làm việc với tần suất cao nên mới 2 tháng đi làm, Duyến sút hẳn 6kg, người chỉ còn hơn 42kg.

Duyến nói, 2 ngày cuối tuần thường được nghỉ nhưng cô vẫn xin đi làm vì muốn cuối tháng cầm lương trên tay “dày” hơn. Dù là vậy, từ ngày lấy chồng rồi làm CN, Duyến chẳng mấy khi sắm sửa cho bản thân, chỉ mặc lại quần áo cũ hoặc ai cho gì mặc nấy. “Làm quần quật 12 tiếng, về nhà lại cơm nước, quần áo, cứ vậy mà luẩn quẩn hết ngày tháng” - Duyến chia sẻ.

Làm việc mệt mỏi, Duyến muốn buông xuôi, nhiều lần cô nói với chồng “thôi em mệt lắm rồi, không đi làm công ty nữa” nhưng sáng hôm sau lại gượng dậy vì còn có dự định tương lai.

Chỉ làm công ty 2-3 năm

Duyến chấp nhận vắt kiệt sức lao động của mình ở thành phố, nhưng chỉ khoảng 2-3 năm thôi. Vì sức khoẻ không được tốt, hơn nữa, nỗi nhớ con luôn thường trực trong cô. Duyến kể, mỗi lần gọi điện về cho con gái, lúc nào bé cũng hỏi “bao giờ mẹ về với con?”, câu hỏi đó khiến Duyến không kìm được lòng. Cô không thể đón ra đây được vì phòng trọ nhỏ, hơn nữa chi phí cho con đi học với Duyến mà nói là khá cao.

Số tiền dành dụm được, Duyến để một phần cho con sau này đi học, một phần cô muốn để đi học nghề rồi về quê mở tiệm làm tóc nho nhỏ. “Tôi muốn đi học nghề từ lâu nhưng hiện không có khả năng. Tôi chỉ làm CN thêm vài năm nữa để có vốn lo liệu cho tương lai. Mục tiêu là vậy nhưng không biết có thực hiện được không” - Duyến cho biết.

Cách nơi của Duyến ở không xa là phòng trọ của chị Trần Thị Phượng - CN Cty TNHH Linh kiện điện tử SEI. Chị Phượng (quê Hà Tĩnh) đang nuôi con học lớp 3 nhưng đã ly hôn chồng. Ở quê khó xin việc, chị gửi con cho bà ngoại để ra Hà Nội xin làm CN.

Ra thành phố không người thân, ban đầu chưa xin được việc làm, chị Phượng cho hay, tiền đóng phòng trọ, tiền học cho con cùng lúc dồn dập kéo đến, chị không biết xoay sở thế nào, khi đó nước mắt chảy dài nghĩ mà bất lực. “Không có tiền đúng là khổ sở, có nhiều lúc trong túi tôi cạn kiệt, bữa ăn chỉ có bát cơm và chén nước mắm” - chị Phượng bày tỏ.

Mới xin vào công ty, lương của chị chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, công ty của chị cũng ít việc nên không được tăng ca.

Với số tiền đó quả là không đủ để chị thu vén cho mình, mẹ già và đứa con. Sau thời gian làm hành chính ở công ty, chị Phượng xin làm giúp việc cho nhà người dân gần đó. Hôm nào cũng vậy, “đầu tắt mặt tối”, 8 giờ sáng bắt đầu công việc đến 9 rưỡi tối. Làm ở công ty về, chị chỉ kịp ăn qua loa hộp xôi hay chiếc bánh mì để tiếp tục công việc.

Nói về dự định tương lai, chị Phượng bảo: “Khó mà có tương lai”! Nhưng chị tính chỉ làm ở công ty thêm vài năm nữa rồi cũng về quê. Chị muốn được ở gần con vì nó không có bố bên cạnh, cần tình yêu của mẹ nhiều hơn. Chẳng qua vì mưu sinh, chị mới cam lòng xa con...

Đỗ Phương
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.