Chị Nguyễn Thị Thúy Hà, công nhân HTX Mây tre lá Ba Nhất (Quận Bình Thạnh, TPHCM), hỏi: Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi mới 40 - 45 tuổi. Đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần; chúng tôi đều biết rút bảo hiểm thì khi về già không có lương hưu nhưng nhiều anh, chị, em khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc gắn kết giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐTBXH trong những năm qua rất tốt. Ngày hôm qua, các thành viên Chính phủ đã làm việc không kể ngày nghỉ để Thủ tướng Chính phủ kịp thời ký, ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ 1.7.2022 tới đây. Điều này thể hiện trách nhiệm của Chính phủ với người lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, hiện Việt Nam mới chỉ có gần 16 triệu người tham gia BHXH, trong tổng số khoảng 55 triệu người đang trong độ tuổi lao động. Đây là tỉ lệ còn thấp. Thời gian vừa qua, nhất là đầu năm 2022, có tình trạng nhiều người lao động rút BHXH một lần. Đây là điều không tốt và gây hệ lụy lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động mà không có lương hưu.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết cần phải nâng cao đời sống, phúc lợi của người lao động để họ yên tâm không rút BHXH một lần.
Hiện nay, Bộ LĐTBXH đã chuẩn bị dự thảo Luật sửa đồi, bổ sung Luật BHXH 2014 và dự kiến năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét, ban hành.
Theo đó, một nội dung quan trọng là rút ngắn thời gian tham gia BHXH được hưởng lương hưu, với thời gian tham gia BHXH giảm còn 15 năm, tiến tới 10 năm là được hưởng lương hưu. Việc rút ngắn này để người lao động tiếp cận được chính sách an sinh xã hội, trên tinh thần ai đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít và có sự chia sẻ giữa những người có tham gia BHXH, nhằm khuyến khích người lao động tham gia BHXH nhiều hơn. Đồng thời, xử lý nghiêm trình trạng lợi dụng người lao động khó khăn để mua thời gian đã tham gia BHXH của người lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thêm: Luật BHXH năm 2014 sau hơn 6 năm có hiệu lực, hiện có những điều chưa phù hợp với thực tế. Do đó, việc sửa đổi Luật BHXH phải dựa trên tinh thần bám sát thực tế đời sống của người lao động. Việc sửa đổi Luật BHXH sẽ được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023 của Quốc hội.
Tuy nhiên, các chủ thể liên quan đều phải có trách nhiệm thực hiện luật nghiêm túc, những vấn đề chưa đáp ứng thực tế sẽ được tiếp tục tiếp nhân, sửa đổi, bổ sung, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và hài hòa với lợi ích của Nhà nước. Việc giải quyết vấn đề BHXH phải đặt trên tinh thần bảo đảm lợi ích quốc gia trên hết.
Trao đối với phóng viên, chị Nguyễn Thị Thúy Hà cho biết rất vui và hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. "Tôi mong các chính sách, lời hứa mà người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đã trao đổi tại buổi gặp gỡ hôm nay sớm được triển khai trong thực tế để công nhân lao động sẽ bớt khó khăn hơn", chị Hà nói.
Tham dự chương trình Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động diễn ra vào sáng 12.6 tại điểm cầu ở TPHCM, ông Hồ Xuân Lâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - nhận xét, công nhân lao động cả nước đã có nhiều câu hỏi, đề nghị với người đứng đầu Chính phủ rất thực tế đời sống của người lao động.
Bên cạnh việc thông tin tình hình kinh tế - xã hội chung của cả nước, Thủ tướng đã lắng nghe rất chăm chú và trả lời thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm với những vấn đề bức xúc của công nhân lao động, giúp cho công nhân lao động hiểu rõ hơn những khó khăn chung của cả nước sau đại dịch COVID-19, đồng thời khích lệ vai trò, vị trí của công nhân lao động trong phục hồi, phát triển kinh tế.
Nhìn chung, các cán bộ công đoàn, công nhân lao động TPHCM rất vui, hài lòng về trả lời của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành trước các câu hỏi của công nhân lao động. Đặc biệt thông tin Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 đã làm cho các công nhân lao động rất hồ hởi. Đồng thời, mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo của bộ, ngành sớm triển khai thực hiện những lời hứa tại buổi gặp gỡ, đối thoại hôm nay.
"Phần hỏi của Thủ tướng với lãnh đạo bộ, ngành, địa phương để trả lời cho công nhân lao động cho thấy, Thủ tướng rất sâu sát và nắm rất chắc vấn đề, qua đó cũng gợi mở các giải pháp tháo gỡ mang tính khả thi với các vướng mắc đang tồn tại", ông Lâm nói.
Tôi mong trước mắt, Chính phủ cần chăm lo sức khỏe cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động sau COVID-19. Về lâu dài, Chính phủ cần sớm triển khai những quy định xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động mua hoặc thuê để họ an cư, yên tâm cống hiến cho sự phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước; có chính sách cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn vay vốn ưu đãi từ ngân hàng để tránh tín dụng đen trong công nhân…