Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã triển khai hàng chục tuyến xe buýt trợ giá để hỗ trợ người dân đi lại. Tuy nhiên, sau một năm triển khai, rất ít người lựa chọn xe buýt để làm phương tiện di chuyển hằng ngày.
Đặc biệt, tại các khu công nghiệp, mỗi ngày có hàng nghìn công nhân, người lao động đến làm việc nhưng hầu hết đều lựa chọn xe máy làm phương tiện di chuyển chính.
Theo một số công nhân, các tuyến xe buýt đều dừng đỗ ở phía ngoài cổng, tường rào của khu công nghiệp nên để đến được nơi làm việc, các công nhân phải đi bộ mất 20 phút.
Ông Nguyễn Văn Phu - Phó Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng - thông tin, hiện nay, các tuyến xe buýt của thành phố rất nhiều nhưng chủ yếu chạy các tuyến bên ngoài, không có tuyến chạy vào khu công nghiệp (đi ngang các doanh nghiệp). Điều này khiến công nhân không thể lựa chọn xe buýt để đến nơi làm.
"Khoảng 16h30 hằng ngày là giờ các công nhân tan ca ra về, vì vậy, các đoạn đường từ khu công nghiệp đến các trục đường chính như đường số 5 rất khó đi.
Nếu mở rộng các tuyến xe buýt vào tuyến đi ngang các doanh nghiệp sẽ giúp cho người lao động có điều kiện được đi xe buýt nhiều hơn. Điều này cũng sẽ giảm thiểu đáng kể việc ùn tắc giao thông mỗi khi giờ tăng ca" - ông Nguyễn Văn Phu nêu thực tế.
Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp” do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng tổ chức, ông Đặng Nam Sơn - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP Đà Nẵng - cho biết, hiện nay, có 3 tuyến xe buýt đi qua khu công nghiệp.
Tuyến số 8 đi qua khu công nghiệp An Đồn (đường Ngô Quyền), tuyến 17 đi qua khu công nghiệp Hòa Cầm (đường Trường Sơn), tuyến 14 đi qua khu công nghiệp Hòa Khánh (đường Âu Cơ, đường ĐT 601 và đường ĐT 602).
Trong đó, việc tổ chức các tuyến xe buýt đi sâu vào khu công nghiệp Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng cũng đã giao cho Trung tâm điều hành tín hiệu giao thông vận tải công cộng khảo sát để thiết lập các tuyến này.
"Chúng tôi gặp khó khăn trong việc các doanh nghiệp tổ chức làm ca thì các tuyến buýt này này phải làm sao để vừa đáp ứng nhu cầu số đông vừa không ảnh hưởng đến thời gian vận hành các tuyến xe buýt trong lộ trình chung.
Bởi khi đi vào đoạn đường có các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp thì mất nhiều thời gian vận hành của các tuyến xe" - ông Đặng Nam Sơn nói.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP Đà Nẵng, đơn vị này cũng đã giao cho Trung tâm điều hành tín hiệu giao thông vận tải công cộng khảo sát và đề xuất ban quản lý của Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản để cùng khảo sát và vận hành tuyến xe buýt trong thời gian đến, đáp ứng nhu cầu đi lại của công nhân.