Tăng lương để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống
Chị Nguyễn Thị Thu - công nhân của Công ty TNHH Lock&Lock Vina cho biết, gia đình chị 4 người sinh sống trong phòng trọ chỉ khoảng 10m2. Tổng thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ hơn 10 triệu đồng. Trong đó, tiền trọ đã hết 1 triệu đồng, bên cạnh đó còn tiền hai con đi học, tiền điện nước xăng xe... nên thu vén cho gia đình 4 người khá chật vật.
"Thậm chí đưa các con đi chơi trong thị xã, hoặc vui chơi giải trí khác tôi còn không dám nghĩ đến, vì cuộc sống khó khăn quá", chị Thu nói.
Còn với gia đình chị Bích Loan - công nhân tại KCN Đông Xuyên (TP.Vũng Tàu), nhiều bữa cơm chỉ có đậu hũ kho cà chua, canh cải xanh và rau dền luộc cho hai vợ chồng và 2 cháu nhỏ (4 và 2 tuổi).
"Mấy tháng nay, đi chợ mua gì giá cũng tăng. Thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ gần 15 triệu đồng phải trang trải đủ thứ chi phí gửi con, tiền nhà trọ, rồi tiền ăn, cha mẹ ở quê… nên mình phải suy tính nhiều", chị Loan chia sẻ.
"Cái gì cũng tăng, chỉ lương là chưa tăng", là câu nói được rất nhiều lao động như chị Loan, chị Thu cảm thán khi được hỏi đến vấn đề tiền lương. Theo đó, các lao động đều mong mỏi được tăng lương, để có thêm thu nhập trang trải cho gia đình vì hiện mọi thứ đều tăng giá.
"Lương tăng thì thu nhập của công nhân cũng tăng, tuy chưa biết được bao nhiêu nhưng cũng cải thiện bữa cơm, thêm cá thêm thịt cho mấy đứa nhỏ. Công nhân nào cũng muốn thêm thu nhập cả", chị Loan nói.
Chưa tăng lương, đời sống lao động khá chật vật
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 63.000 lao động làm việc tại các Khu công nghiệp và phần lớn đều là lao động xa quê. Những lao động này phải gánh thêm nhiều chi phí sinh hoạt như: tiền nhà trọ, tiền gửi con nhỏ để đi làm… trong khi thu nhập bình quân đầu người chỉ dao động khoảng từ 5,2 - 7 triệu đồng nếu không tăng ca.
Ông Huỳnh Sơn Tuấn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, ngoài các hoạt động thường niên, trong tình hình hiện nay Công đoàn thường xuyên tiến hành các buổi thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động về điều kiện việc làm, lương, thưởng, phúc lợi,… để hỗ trợ phần nào cho người lao động.
Bà Trần Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Vũng Tàu nhận định, nếu chỉ thu nhập chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, người lao động xa quê khó chi tiêu đủ cho chính mình, chưa kể còn gánh nặng con cái, gia đình, tích lũy... Do vậy, được tăng lương là mong muốn của rất nhiều người lao động trong tình hình vật giá sinh hoạt leo thang như hiện nay. Điều quan trọng là quản lý để tăng lương nhưng giá cả đừng tăng theo.
"Nhẩm tính tại Vũng Tàu thì tiền trọ khoảng 1,5 triệu đồng; tiền điện nước, xăng đi làm khoảng 500.000 đồng/tháng là đã hết 1/3 thu nhập. Nếu có con đi học thì phải thêm gần 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/tháng/cháu nữa...", bà Thủy phân tích.
Trong tình hình như hiện nay, người lao động đang khá chật vật vì vật giá sinh hoạt leo thang với đồng lương còn thấp. Việc tăng lương đã trễ hẹn 2 năm liền vì nhiều nguyên nhân. Do vậy, sớm tăng lương có thể hỗ trợ giảm bớt áp lực mưu sinh cho người lao động, giúp họ có thể tập trung hết sức để tham gia sản xuất và cống hiến xã hội.