Công nhân mong con được đến trường từng ngày

Việt Lâm - Đình Trọng |

Trong khi trường học bỏ trống, giáo viên không có việc làm thì phụ huynh là công nhân lao động cũng rất vất vả. Nhiều trường hợp phải bỏ con nhỏ ở nhà trong tâm lý bất an. Họ mong con được đến trường từng ngày để yên tâm tham gia lao động sản xuất.

Nữ công nhân nghỉ việc, ở nhà trông 4 trẻ

20 tuổi, chị Bùi Thị Thơm rời quê (Đại Từ, Thái Nguyên) xuống Hà Nội làm công nhân khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). 10 năm làm công nhân, lấy chồng rồi sinh 2 con. Mọi việc đang êm đềm thì đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát khiến các trường đóng cửa, con trẻ không đi học nên chị Thơm xin nghỉ việc ở nhà trông 2 con của mình và 2 con hàng xóm gửi…

Sáng 8.11, chúng tôi tới phòng trọ của gia đình chị Bùi Thị Thơm tại khu nhà ở công nhân (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Mở cửa phòng đón khách, theo sau chị Thơm là 4 đứa trẻ lít nhít ùa ra, chào khách rối rít… Chị Thơm cho biết: “Nhà em chỉ có 2 đứa (lớn 7 tuổi - học lớp 2, bé 3 tuổi - học mầm non), 2 đứa còn lại (6 tuổi và 3 tuổi) là con nhà hàng xóm - hai vợ chồng cũng làm công nhân khu công nghiệp, do không có người trông con nên nhờ em trông đỡ từ tháng 5.2021 đến nay”.

Hằng ngày, cứ 7h30, hàng xóm mang con sang gửi. Từ đó đến cuối chiều, chị Thơm “quay cuồng” với 4 đứa trẻ.

“Em tranh thủ dạy hai đứa lớn làm bài tập lớp 1, lớp 2; hai đứa bé tự chơi - liên tục chí choé, tranh giành đồ chơi, khóc lóc um nhà, rồi còn việc lo ăn, ngủ… khiến em rất ức chế, mệt mỏi, căng thẳng” - chị Thơm nói. Hiện nay, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình chị Thơm đều trông vào đồng lương của chồng chị là anh Phạm Xuân Tùng - cũng là công nhân khu công nghiệp.

“Lương của chồng em hơn 10 triệu đồng/tháng, cả nhà ăn tiêu, chi trả các khoản như tiền thuê nhà, tiền điện, nước... nên không có khoản tích luỹ nào” - chị Thơm cho hay.

Cũng theo chị Thơm, cuối tháng 10.2021, chị và các vị phụ huynh đã đến Trường Tiểu học xã Kim Chung để dọn vệ sinh trường, lớp… những tưởng các con được đi học trở lại, nhưng do lại có ca COVID-19 nên hiện tại bọn trẻ vẫn ở nhà.

Anh Hà Doãn Du (công nhân Công ty Canon, Khu Công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) - là hàng xóm và gửi 2 con nhờ chị Thơm trông giúp, cho biết: “Chúng tôi mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng có phương án khả thi nhất vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa mở cửa trường học để đón học sinh quay trở lại học tập. Chỉ khi các con được đi học trở lại thì cha mẹ mới yên tâm lao động sản xuất, không phải đau vì việc trông con”.

Cũng theo anh Du, nếu không có chị Thơm trông con giúp thì vợ chồng anh phải tính đến phương án một người nghỉ việc để ở nhà trông con.

Khổ phụ huynh, khổ cả giáo viên

Tại Bình Dương, cho đến thời điểm này, vì ảnh hưởng của dịch bệnh, giáo dục mầm non vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Trường Mầm non Ngôi Sao Nhỏ (khu công nghiệp Mỹ Phước, thị xã Bến Cát) có học sinh chủ yếu là con công nhân.

Ông Đỗ Văn Phùng - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trước đó trường đã gặp khó khăn do lượng học sinh giảm. Từ đợt dịch thứ 4 đến nay, hơn 4 tháng, trường phải tạm dừng hoạt động. Giáo viên không có việc làm, không có thu nhập. Một số giáo viên phải đến nhà phụ huynh giữ trẻ để có chi phí sinh hoạt.

Cô Nông Thị Lan (32 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Ngôi Sao Nhỏ) là một trong những giáo viên gặp nhiều khó khăn khi chưa được đi làm trở lại.

“Lương giáo viên mầm non tư thục thấp nên đời sống eo hẹp. Mong mãi được đi làm trở lại, nhưng đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát mà trường vẫn chưa hoạt động. Để có thể bám trụ lại ở Bình Dương, tôi phải đến tận nhà trông trẻ cho phụ huynh để có thu nhập sống qua ngày” - cô Lan chia sẻ.

Trong khi trường học bỏ trống, giáo viên không có việc làm thì phụ huynh là công nhân lao động cũng rất vất vả. Nhiều trường hợp phải bỏ con nhỏ ở nhà trong tâm lý bất an.

Ngày 8.11, chị Đoàn Thị Báu (quê Bình Định) đến nhà máy làm việc, nhưng trong lòng vẫn còn lo lắng cho con nhỏ ở phòng trọ. Chị Báu cho biết, một mình nuôi 2 con ăn học, bình thường đã rất khó khăn, từ lúc dịch bệnh bùng phát lại càng khó khăn hơn.

“Cháu lớn tự mày mò học online bằng điện thoại, cháu nhỏ chơi với anh. Để có phương tiện học tập này tôi phải mượn tiền họ hàng ở quê gửi vào. Năm học này chúng tôi rất vất vả, vừa thiếu ăn do dịch bệnh kéo dài, vừa lo tiền mua sách vở, điện thoại và đăng ký 3G cho các cháu học. Giờ chỉ mong trường học mở lại, các con được đến lớp để giảm bớt chi phí và hiệu quả học tập tốt hơn” - chị Báu chia sẻ.

Khảo sát một vòng các khu trọ gần KCN Mỹ Phước, TX Bến Cát, rất nhiều trẻ nhỏ con công nhân lao động ở phòng trọ vạ vật ngồi chơi. Một nhà trọ ở đường CX7, P.Mỹ Phước, TX Bến Cát có 3 trẻ được bà Bùi Thị Hà (50 tuổi, quê Bình Định) trông nom. Gần đó, anh Bùi Văn Biện (34 tuổi, quê Hòa Bình) đang dặn dò cháu lớn học lớp 4 và con gái học mẫu giáo ở nhà trọ bảo ban nhau học tập.

“Tôi làm công nhân kỹ thuật, mỗi ngày đi các cơ sở để kiểm tra hàng hóa nên tranh thủ ít phút về xem các cháu học tập ra sao. Con học thường hay rớt mạng, nếu không vào lại được thì các cháu ngồi chơi cả buổi” - anh Biện cho biết.

Hình thành điểm giữ trẻ tự phát thiếu an toàn

Trong khi trường mầm non chưa hoạt động, không có ai trông giữ, phụ huynh phải gửi con ở những nhóm trẻ tự phát. Phóng viên Báo Lao Động ghi nhận, tại TX Bến Cát đã hình thành các điểm giữ trẻ tự phát từ 3-5 trẻ hoặc 5-7 trẻ. Các nhóm trẻ này ở ngay các phòng trọ, chỉ có 1 người trông giữ. Tại một phòng trọ (12-15m2) ngay mặt đường XC7, P.Mỹ Phước, TX.Bến Cát, một người phụ nữ trông giữ 6 đứa trẻ. Người này cho biết, bà vốn làm nghề phụ hồ, do trường chưa mở nên ở nhà trông cháu cho con đi làm. Sau đó, công nhân ở gần cũng mang đến gửi. Theo ghi nhận, ở điểm giữ trẻ không gian chặt chội, thiếu an toàn dịch bệnh, vách ngăn thấp, gần mặt đường, tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ.

Chưa có lịch học cho trẻ mầm non

* Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương - cho biết, hiện sở mới triển khai tiêm vaccine và triển khai kế hoạch cho học sinh cấp 2, 3 đến trường trở lại. Sau đó, dựa trên tình hình thực tế dịch bệnh, nếu triển khai kế hoạch học tập cho cấp 2, cấp 3 ổn thì qua học kỳ 2 mới tính phương án cho học sinh tiểu học và mầm non đi học trực tiếp trở lại.

* Bà Nguyễn Nhật Thu - quản lý Trường Mầm non tư thục thôn Hậu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Trước tháng 5.2021, trường có hơn 100 cháu và 11 giáo viên, nhân viên. Khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, Trường không hoạt động, các cô người bán hàng online, người về quê, người ở nhà trông con để chồng đi làm… Tôi cũng rất khó khăn, bởi vừa mới đóng tiền thuê nhà xong thì dịch bùng phát, các con không đến trường, không doanh thu!”.

*  Bà Trần Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN cho rằng, hiện nay, dịch COVID-19 cơ bản được khống chế tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên một vấn đề cần quan tâm là hiện nay nhiều trường vẫn chưa mở cửa trở lại dẫn đến công nhân gặp nhiều khó khăn trong việc trông, dạy trẻ học online, dẫn đến ảnh hưởng năng suất lao động, đặc biệt đã có công nhân phải nghỉ việc hẳn ở nhà để trông con.

Để công nhân có con đang trong độ tuổi đi học toàn tâm, toàn ý lao động sản xuất, các gia đình công nhân có thể cử người luân phiên trông trẻ hoặc liên kết với nhau thuê người trông trẻ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã chủ động tìm nhà trẻ, cải tạo khuôn viên trong công ty để làm nhà trẻ, thuê người trông trẻ để công nhân gửi con, yên tâm làm việc. Các địa phương và ngành chức năng cũng cần tính toán mở lại các trường để tiếp nhận các cháu quay trở lại học tập và đảm bảo phòng chống dịch, để bố mẹ là công nhân có thời gian đi làm, có thu nhập, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ổn định.


Việt Lâm - Đình Trọng
TIN LIÊN QUAN

Gần 4.000 học sinh Ba Vì rạng rỡ đến trường sau nhiều tháng học trực tuyến

Tường Vân |

Hà Nội - Mặc kệ rét lạnh, sáng sớm hôm nay, gần 4.000 học sinh Ba Vì rạng rỡ đến trường sau nhiều tháng học trực tuyến tại nhà.

Học sinh 4 huyện ở Nam Định tạm dừng đến trường vì dịch COVID-19

Tuệ Nhi |

Nam Định - Học sinh tại các huyện Ý Yên, Nam Trực, Giao Thủy, Mỹ Lộc của tỉnh Nam Định sẽ tạm dừng đến trường từ ngày 8.11.

Tiền Giang thí điểm cho học sinh đến trường học trực tiếp

Kỳ Quan |

Tiền Giang - Thông tin từ Sở GDĐT cho biết, ngày mai 8.11, học sinh lớp 9 và 12 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông sẽ đi học trực tiếp.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Gần 4.000 học sinh Ba Vì rạng rỡ đến trường sau nhiều tháng học trực tuyến

Tường Vân |

Hà Nội - Mặc kệ rét lạnh, sáng sớm hôm nay, gần 4.000 học sinh Ba Vì rạng rỡ đến trường sau nhiều tháng học trực tuyến tại nhà.

Học sinh 4 huyện ở Nam Định tạm dừng đến trường vì dịch COVID-19

Tuệ Nhi |

Nam Định - Học sinh tại các huyện Ý Yên, Nam Trực, Giao Thủy, Mỹ Lộc của tỉnh Nam Định sẽ tạm dừng đến trường từ ngày 8.11.

Tiền Giang thí điểm cho học sinh đến trường học trực tiếp

Kỳ Quan |

Tiền Giang - Thông tin từ Sở GDĐT cho biết, ngày mai 8.11, học sinh lớp 9 và 12 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông sẽ đi học trực tiếp.