Theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, tại Bình Dương, các doanh nghiệp bị tác động xấu bởi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục gia tăng, từ đó kéo theo nhiều lao động tiếp tục đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Số liệu thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương cho thấy, 8 tháng đầu năm 2020, những doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh này là 13.264 lao động (LĐ) thuộc diện bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Về chính sách trợ cấp thôi việc, đa số DN chỉ đảm bảo thực hiện theo quy định do Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả. Việc trả thêm cho người lao động (NLĐ) 1 tháng lương/mỗi năm thâm niên chỉ có gần 20 DN thực hiện (mỗi DN khoảng 30 LĐ).
LĐLĐ Bình Dương nhận định, những tháng cuối năm, các DN sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng xấu buộc phải cắt giảm LĐ. Về khoản hỗ trợ thêm của DN đối với NLĐ khi phải chấm dứt HĐLĐ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều kiến nghị đồng tình không nên thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với khoản tiền này.
Bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ Bình Dương - cho biết, dịch bệnh kéo dài, do vậy thu nhập của NLĐ các tháng vừa qua cũng bị giảm rất nhiều. Nhà nước cần có chính sách riêng biệt trong hoàn cảnh đặc biệt (dịch bệnh) về thuế đối với phần tiền hỗ trợ của DN cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ. Bà Trương Thị Bích Hạnh cho rằng, không nên khấu trừ 10% thuế TNCN đối với phần tiền DN hỗ trợ cho NLĐ trong trường hợp này.
Bà Hạnh cho biết thêm, hiện nay tại Bình Dương, đời sống của NLĐ ở những DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, đối với LĐ ngoại tỉnh nếu được DN hỗ trợ thêm lúc chấm dứt HĐLĐ thì khoản tiền này còn phải chi phí sinh hoạt khi tìm việc mới, đóng tiền trọ và trang trải khi con cái chuẩn bị vào năm học mới.
Cùng quan điểm về ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - đại diện nhà máy Công ty TNHH Chí Hùng - có khoảng 8.000 LĐ đóng trên địa bàn thị xã Tân Uyên, Bình Dương - chia sẻ, nếu DN hỗ trợ thêm thì khoản tiền đó NLĐ sẽ dùng để trang trải những tháng khó khăn phía trước. “Quan điểm của tôi là đề nghị cho NLĐ được hưởng trọn khoản tiền này. Đây là phần DN chia sẻ khó khăn, chứ không phải là thu nhập mà NLĐ đi làm có được”- bà Hà nói.
Hơn 14.000 lao động chưa nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ đồng
LĐLĐ Bình Dương cho hay, trong 8 tháng đầu năm, rất nhiều lao động bị tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương ở các DN bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Họ là đối tượng được hưởng chính sách theo nghị quyết số 42 của Chính phủ nhưng do DN không đảm bảo hội đủ điều kiện “không có thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương” nên NLĐ không thể thụ hưởng chính sách này.
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến ngày 28.8, mới có 188 lao động nhóm tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương được nhận hỗ trợ (369 triệu đồng) từ gói 62.000 tỉ đồng. Hiện cơ quan BHXH Bình Dương đã tiếp nhận và giải quyết xong hồ sơ của 81 DN với 14.803 NLĐ và gửi lại để DN nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện theo đúng quy định.