Ngày 10.6, LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết đơn vị đang chuẩn bị cho chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ đối thoại công nhân, dự kiến vào ngày 12.6 tới đây.
Trước đó, đơn vị đã tiến hành khảo sát, ghi nhận kiến nghị của công nhân lao động Bình Dương với Đảng, Nhà nước. LĐLĐ đã thực hiện khảo sát 2.100 công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. Theo ghi nhận, qua khảo sát nổi bật lên 2 vấn đề nhận được nhiều sự quan và kiến nghị của người lao động.
Sớm nâng lương, cải thiện thu nhập
Để thực hiện ghi nhận kiến nghị người lao động, Liên đoàn Lao động Bình Dương đã thu thập thông tin dưới dạng phiếu khảo sát trực tuyến, sử dụng bảng câu hỏi mang tính định lượng, các thông tin được xử lý thành các biểu đồ mô tả và được tính theo tỷ lệ %.
Trong số lao động được khảo sát, có 77,4% người lao động có thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng; trong đó, từ 5 triệu – 7 triệu đồng/tháng là 40,5%; từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/tháng là 36,9%. Số còn lại mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng là 13,9%. Chỉ số ít (8,7%) công nhân lao động có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.
Ghi nhận thực tế, thu nhập từ lương 8 giờ làm việc hằng ngày chỉ dưới 7 triệu đồng/tháng, để có thu nhập từ 8-9 triệu đồng/tháng, người lao động phải tăng ca từ 2-4 giờ mỗi ngày.
Có trên 90% người lao động cho biết, khó khăn nhất hiện nay của họ chủ yếu là về thu nhập. Người lao động cho rằng hiện nay lương thấp, công việc thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không ổn định dẫn đến giảm sâu về thu nhập.
Từ đó, số tiền làm ra, không đủ trang trải cuộc sống, phải nuôi con nhỏ, phụng dưỡng mẹ già… .
Liên đoàn Lao động Bình Dương cho biết, người lao động bày tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cần sớm ban hành chính sách về tiền lương hợp lý, đảm bảo cho người lao động có mức sống ổn định và có được một phần tích lũy, kịp thời có các giải pháp để kiềm chế lạm phát, không để giá cả hàng hóa thiết yếu tăng cao như hiện nay.
Kiến nghị xây thêm nhà ở giá rẻ
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, những năm gần đây mỗi năm tăng thêm khoảng 100.000 dân. Hiện tỉnh có khoảng 1,6 triệu lao động, đa số là người ngoại tỉnh phải đi ở trọ. Tỉnh đã phát triển nhiều khu nhà ở xã hội (NOXH) tạo nơi ở ổn định cho trên 180.000 lao đông. Tuy nhiên, hiện nay các khu vực Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một đang khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội.
Theo khảo sát, đa số công nhân lao động đều mong muốn gắn bó lâu dài tại Bình Dương (79,5%), chỉ có 0,5% xác định không ở lại Bình Dương và 20% chưa có định hướng cụ thể.
Tuy nhiên, thu nhập còn thấp, 42,1% công nhân không đủ trang trải, 52,5% công nhân vừa đủ trang trải chi tiêu hằng tháng. Chỉ có 5% công nhân lao động tích lũy được 1 phần và 0,4% công nhân lao động có tích lũy. Với giá nhà đất hiện nay đều trên 1 tỉ đồng thì số đông người lao động rất khó có cơ hội mua được đất cất nhà ổn định cuộc sống.
Với chi phí như hiện nay sẽ khó bám trụ lại được ở Bình Dương, nhiều người nảy sinh ý định trở về quê hương.
Trong bối cảnh trên, người lao động kiến nghị nhà nước cần có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm, chăm lo cho lao động xa quê. Tập trung đầu tư xây dựng NOXH ưu tiên cho người lao động xa quê được tiếp cận để mua hoặc thuê với mức giá ưu đãi. Có các hình thức trợ vốn để người lao động được vay để mua nhà ở.
Người lao động cũng kiến nghị, các khu NOXH cần bố trí ở những nơi gần khu công nghiệp tập trung và có nhiều tiện ích đi kèm. Cần xây dựng thêm nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa đảm bảo phục vụ nhu cầu học tập và vui chơi của công nhân và con công nhân.