Đây là hoạt động thiết thực của Công đoàn ngành giáo dục tỉnh nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20.10) và chào mừng đại hội phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Lâm Đồng cho biết: trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, Hội thảo được tổ chức trực tuyến từ Công đoàn ngành kết nối tới 12 điểm cầu tại các huyện, thành phố (TP) trong tỉnh với sự tham gia của cán bộ nữ công của các Liên đoàn Lao động huyện, TP, cán bộ nữ công của các công đoàn cơ sở (CĐCS), đại diện cho trên 70% nữ trong tổng số 22.300 cán bộ nhà giáo, người lao động thuộc 689 đơn vị trường học trong tỉnh.
Ghi nhận tại Hội thảo, các đại biểu tham luận sôi nổi, chia sẻ những bài học và kinh nghiệm quý báu trong hoạt động nữ công của CĐCS như giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới, bình đẳng giới và giới tính cho trẻ vị thành niên và học sinh, sinh viên.
Nữ cán bộ nhà giáo, người lao động với kiến thức xây dựng hạnh phúc gia đình, bình đẳng giới trong gia đình. Công đoàn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và những giải pháp đem lại hiệu quả triển khai đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục về giới, bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản trong trường học…
Chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức phong trào giúp đỡ nữ đoàn viên tham gia học tập nâng cao trình độ mọi mặt, cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, Chủ tịch CĐCS Trường THPT Lộc Phát đem đến Hội thảo kỷ niệm 5 năm về trước, từ những ngày đầu vận động thành lập “Quỹ san sẻ” – mỗi tháng từng đoàn viên tùy tâm góp từ 15 ngàn đến 100 ngàn đồng vào hũ “san sẻ yêu thương” để cuối tháng lấy ra tặng cho một đoàn viên đi học gặp khó khăn.
Quà tặng cao nhất mỗi tháng cũng chỉ vẻn vẹn 900 ngàn đồng nhưng chứa đựng đầy tình yêu thương, đùm bọc, giúp nhau vượt qua khó khăn. Tiếp đó, “Quỹ tương trợ” lại được ra đời từ khoản tiền tiết kiệm chi tiêu trong tháng của mỗi đoàn viên, góp lại để công đoàn cho người khó khăn mượn (không tính lãi) trang trải việc học hành,… Cứ như vậy, từ tình đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, đến nay đã có 13 đoàn viên đạt trình độ thạc sỹ (tỷ lệ 23,6%).
Cô giáo Hoàng Thị Ngọc Hương, thuộc CĐCS Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng lại chia sẻ với Hội thảo về mô hình hoạt động nữ công hiệu quả như “Câu lạc bộ bóng chuyền nữ”, trang Facebook và nhóm Zalo “Nữ công” của đơn vị là các diễn đàn đã tập hợp và tổ chức nhiều chủ đề sinh hoạt giúp chị em nâng cao sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghiệp vụ và xây dựng gia đình hạnh phúc. Hơn thế nữa, đơn vị này đang triển khai phong trào “Nam chia sẻ công tác, san sẻ việc nhà cùng nữ giới” để các đoàn viên nam cùng tham gia các hoạt động và chia sẻ với đoàn viên nữ,…
“Hội thảo lần này nhằm giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung và đội ngũ nữ cán bộ, viên chức ngành Giáo dục Lâm Đồng nói riêng. Đồng thời, phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, làm cơ sở để đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo tiếp tục nỗ lực vượt khó vươn lên, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong việc nêu cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống, công tác và tham gia các hoạt động xã hội” - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Lâm Đồng, ông Ngô Văn Sơn khẳng định thêm.