Tham gia buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải; các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu...
Một trong những nội dung Công đoàn Dệt may Việt Nam báo cáo và kiến nghị với Tổng LĐLĐVN là nên có đánh giá quá trình thí điểm Công đoàn ngành.
Mô hình tổ chức theo 2 cấp không còn phù hợp
Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam Lê Nho Thướng cho biết, hệ thống Công đoàn Dệt may Việt Nam được thực hiện theo 2 cấp là Công đoàn ngành quản lý trực tiếp CĐCS. Trong số các CĐCS, có 10 đơn vị về chuyên môn hoạt động theo mô hình công ty mẹ/con với tổng số lao động trên 3.000 người/đơn vị; tại các đơn vị này, công đoàn hoạt động theo 2 cấp CĐCS và CĐCS thành viên.
14 năm hoạt động theo mô hình Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã và đang khẳng định được vai trò quan trọng, đồng hành cùng Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của ngành, của đất nước. Kiến nghị với cơ quan nhà nước bổ sung, sửa đổi và giải quyết các chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động; tham gia với Bộ, Tập đoàn về chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của ngành, gắn với việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân lao động dệt may; phối hợp kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách trong hệ thống. Ký kết thành công 5 lần Thoả ước lao động tập thể cấp ngành (lần đầu tiên vào năm 2010).

Thực tế hoạt động cho thấy mô hình tổ chức theo 2 cấp hiện tại (Công đoàn ngành quản lý trực tiếp CĐCS) không phù hợp với thực tế ngành khi có các Tổng công ty với số đoàn viên lớn (trên 10.000 đoàn viên) gồm các công ty thành viên nằm trên nhiều tỉnh, thành phố, nhưng lại không được đánh giá quá trình thí điểm CĐ ngành này để thuận tiện cho việc quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động và theo dõi đôn đốc các nghĩa vụ. Việc phát triển CĐCS và đoàn viên cũng có khó khăn do dệt may là ngành thu nhập chưa cao, tỉ lệ biến động lao động lớn và có sự cạnh tranh về đoàn viên giữa Công đoàn ngành Trung ương và LĐLĐ địa phương.

Nếu các đơn vị gốc thuộc Tập đoàn hoặc là các công ty con của Tập đoàn thì Công đoàn Dệt may Việt Nam nhận được sự hậu thuẫn cao của Tập đoàn trong quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với những đơn vị này. Với những đơn vị không có gốc từ Tập đoàn, về cơ bản khi sinh hoạt trong hệ thống Công đoàn Dệt may Việt Nam họ cũng hòa nhịp với các yêu cầu chung, bởi đây là sự tập hợp tự nguyện. Tuy nhiên có hạn chế là trong tình trạng nhiều cấp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thì CĐCS đó sẽ bị phân tán, chia sẻ nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ, nghĩa vụ với cả Công đoàn Dệt may Việt Nam và địa phương, phần nào ảnh hưởng đến tính tuân thủ của các đơn vị đó. Những đơn vị này cũng hạn chế hơn trong việc tham gia xây dựng và vận động chính sách chung.
Đề nghị tổng kết, đánh giá quá trình thí điểm
Công đoàn Dệt may Việt Nam đề nghị Tổng liên đoàn nên có tổng kết, đánh giá quá trình thí điểm Công đoàn ngành, không nên để việc thí điểm kéo dài quá lâu (đã 14 năm). Quan điểm của Công đoàn Dệt may Việt Nam trong vấn đề này là Công đoàn theo mô hình ngành nghề là xu thế phù hợp với thế giới cũng như tính đáp ứng cao cho thực tiễn hoạt động. Khi các đơn vị có chung ngành nghề được sinh hoạt cùng nhau thì có thuận lợi lớn là cùng chung đặc điểm, điều kiện, yêu cầu hoạt động. Bởi vậy nó gần gũi, thấu hiểu và dễ dàng tập hợp, đoàn kết để đưa ra nhiệm vụ cần tập trung, tiếng nói cần thống nhất, kinh nghiệm cần sẻ chia, sức mạnh cần nhân rộng; từ đó có lợi thế trong khảo sát, xây dựng và vận động chính sách; tuyên truyền, phát động thi đua, thúc đẩy hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân đáp ứng với mục tiêu phát triển của từng ngành kinh tế.
Do đó, đề nghị Tổng liên đoàn xem xét tiếp tục thực hiện mô hình Công đoàn ngành Dệt may Việt Nam, đồng thời nghiên cứu, có cơ chế để từng bước tiến tới mô hình Công đoàn ngành nghề sẽ chi phối chủ yếu các CĐCS cùng ngành nghề trong toàn quốc.

Công đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị Tổng LĐLĐVN cho phép Công đoàn Dệt may Việt Nam hình thành Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là các Công đoàn Tổng công ty có từ 5000 lao động trở lên và có trên 5 CĐCS thành viên.