Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 24.12.2020, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, các cấp Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng phương án tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc làm và chính sách đối với người lao động.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang, các cấp Công đoàn cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân lao động. CĐ tích cực tham gia xây dựng phương án tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc làm và chính sách đối với người lao động (NLĐ) khi thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhiều nơi đã làm tốt công tác giới thiệu việc làm, phối hợp chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ phù hợp với phương án sắp xếp sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đề án của Chính phủ về “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ các doanh nghiệp đến năm 2020”, được Tổng LĐLĐVN và các bộ, ngành liên quan phối hợp, tổ chức thực hiện đạt kết quả tích cực. So với trước khi có đề án, trình độ học vấn của CNLĐ tăng 2,3%; tỉ lệ CNLĐ đã qua đào tạo tăng 5%.
Đồng hành với đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nhưng tổ chức CĐ, nhất là CĐCS đã thực hiện tốt việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ vì sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp. Theo đó, Tổng LĐLĐVN đã kịp thời hướng dẫn các cấp CĐ triển khai các hoạt động theo từng giai đoạn cụ thể của cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tổng LĐLĐVN sớm có chủ trương về việc lùi thời điểm đóng kinh phí CĐ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, miễn đóng đoàn phí CĐ đối với đối tượng đoàn viên CĐ có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở; Vận động cán bộ CĐ chuyên trách ủng hộ mỗi tháng một ngày lương trong thời gian 3 tháng (từ tháng 6-8.2020). Đồng thời, Tổng LĐLĐVN ban hành quyết định chi hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ nguồn tài chính CĐ. Kết quả, các cấp CĐ đã chi tổng số tiền hơn 656,937 tỉ đồng đễ hỗ trợ, chăm lo cho 658.989 NLĐ, trong đó nguồn tài chính CĐ là chủ yếu (chiếm hơn 65,2%).
Thực hiện hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN, các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương, CĐ tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức hội nghị trao đổi, lắng nghe các ý kiến, báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền có cơ chế, chính sách hỗ trợ đoàn viên gặp khó khăn; tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 20.4.2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng thời, triển khai đảm bảo khách quan, công bằng, đúng đối tượng chính sách hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ từ nguồn tài chính CĐ; vận động, phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhiều hình thức chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ, như: Lắp đặt cây ATM gạo; phối hợp với đối tác thuộc chương trình “Phúc lợi đoàn viên” để hỗ trợ công nhân, lao động được mua các nhu yếu phẩm với giá ưu đãi; bán hàng giảm giá, phiên chợ 0 đồng; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ, điện, nước sinh hoạt cho công nhân, lao động; hỗ trợ các suất ăn miễn phí cho công nhân, lao động bị cách ly; giới thiệu hoạt động của các quỹ tài chính vi mô của tổ chức CĐ (quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo tự tạo việc làm của một số tỉnh, thành phố, quỹ quốc gia giải quyết việc làm do hệ thống CĐ quản lý) để NLĐ vay ưu đãi, giải quyết phần nào khó khăn trong thời điểm dịch bệnh, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen” trong công nhân, lao động…
Nhiều CĐCS nhất là tại khu vực doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch nơi làm việc, tại các bếp ăn tập thể, có phương án cho công nhân, lao động nghỉ luân phiên, nghỉ phép năm; bố trí các ca làm việc hợp lý để NLĐ có thể trông con khi các nhà trường tạm nghỉ do dịch bệnh; hỗ trợ NLĐ từ nguồn tài chính CĐCS và ủng hộ của người sử dụng lao động với tổng số tiền hơn 416 tỉ đồng, chiếm 63,39% tổng số chi của cả hệ thống tổ chức CĐ. Đối với NLĐ phải cách ly, CĐCS đã tham gia ý kiến với doanh nghiệp thực hiện chi trả 70% lương, hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm để đảm bảo thu nhập của NLĐ không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật...
Đạt 115% chỉ tiêu phát triển đoàn viên
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS được các cấp CĐ quan tâm trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19. Tính đến hết tháng 11, theo báo cáo chưa đầy đủ, đã kết nạp mới 677.017 đoàn viên (đạt 115% chỉ tiêu), thành lập mới 3.522 CĐCS, trong đó khu vực sản xuất kinh doanh chiếm tỉ lệ chủ yếu với 637.329 đoàn viên và 3.239 CĐCS. Các cấp CĐ tích cực cập nhật thông tin theo yêu cầu phần mềm quản lý đoàn viên, có 89.853 CĐCS thực hiện với 3,64 triệu đoàn viên được cập nhật thông tin (tăng hơn 28.000 CĐCS và hơn 2,6 triệu đoàn viên so với năm 2019).
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN ban hành văn bản triển khai Quy định 212-QĐ/TW ngày 30.12.2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm cơ sở để các LĐLĐ tỉnh, thành phố xây dựng đề án sắp xếp, báo cáo Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy trước khi triển khai thực hiện; đẩy mạnh sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tổ chức CĐ.
Công tác đào tạo cán bộ CĐ nhất là cán bộ CĐCS được chú trọng. Nội dung các lớp tập huấn, bồi dưỡng tập trung vào các nội dung: Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ CĐ Việt Nam (khóa XII), các nội dung mới trong công tác tổ chức, nữ công, tài chính, truyền thông, thương lượng tập thể, an toàn vệ sinh lao động, nghiệp vụ công tác kiểm tra… Tổng LĐLĐVN tổ chức tập huấn cho 218 chủ tịch CĐCS ở doanh nghiệp có quy mô từ 4.000 đoàn viên trở lên.