Qua 5 năm triển khai thực hiện quy chế số 508, công tác phối hợp thực hiện bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội giữa lực lượng công an và các cấp công đoàn tỉnh Thái Bình đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động của hai ngành trong công tác phối hợp.
Các cơ quan, đơn vị thường xuyên trao đổi thông tin, tham mưu đề xuất cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng kịp thời giải quyết ổn định các vụ ngừng việc tập thể, những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp, công nhân lao động, không để các đối tượng lợi dụng lôi kéo, kích động gây mất an ninh trật tự.
Làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong lĩnh vực lao động, công đoàn, bảo đảm an ninh, an toàn cơ quan, tổ chức công đoàn các cấp, các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế.
Tại hội nghị, Công an tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh đã ký kết Kế hoạch liên ngành trong thực hiện triển khai Quy chế phối hợp số 04 giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Ban tổ chức đã tuyên dương và trao thưởng 80 tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện quy chế phối hợp và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình ghi nhận, đánh giá cao kết quả phối hợp giữa Công an tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị, ngay sau hội nghị này, lãnh đạo hai ngành phải quán triệt tới toàn thể cán bộ, công nhân viên nội dung của kế hoạch triển khai quy chế phối hợp vừa ký kết, đảm bảo yêu cầu phải hiểu, phải nắm chắc, nhất là về mục đích và những vấn đề mang tính nguyên tắc, tạo tiền đề cho việc tổ chức, triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của hai ngành từ tỉnh đến cơ sở, trọng tâm, trước hết cần tập trung quan tâm đến chế độ chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, công chức, viên chức và người lao động; nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức chính trị xã hội tại đơn vị, địa phương và doanh nghiệp, nhất là hoạt động của các tổ chức công đoàn cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai hiệu quả các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.