Doanh nghiệp nợ BHXH trây ỳ, NLĐ thiệt thòi
Theo Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Quảng Trị, đơn vị này có 41 công đoàn cơ sở doanh nghiệp với 2.789 NLĐ. Hiện có 9 doanh nghiệp ngừng hoạt động, dẫn đến việc 420 NLĐ bị nợ các chế độ chính sách. Riêng về nợ chế độ BHXH, BHYT là khâu khó, chưa được tháo gỡ, dẫn đến quyền lợi NLĐ không được đảm bảo.
Như ở Công ty Cổ phần May Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) đã xuất hiện tình trạng nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN từ nhiều năm trước. Đến nay, công ty đã ngừng hoạt động, nhưng vẫn còn 56 NLĐ bị nợ chế độ BHXH. Có trường hợp, lao động nữ sinh con, con đi học lớp 1 mà mẹ vẫn chưa nhận được chế độ thai sản vì công ty nợ BHXH…
Ông Hoàng Văn Tuân - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương tỉnh Quảng Trị - cho biết, việc nợ đọng BHXH của NLĐ là do doanh nghiệp khó khăn về sản xuất kinh doanh. Thế nhưng, không thể vì khó khăn mà doanh nghiệp lại nợ chế độ chính sách NLĐ, vì vậy các đơn vị liên quan phải có biện pháp cứng rắn, xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH theo đúng quy định của pháp luật mới có thể đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
“Khi NLĐ bị nợ về chế độ BHXH, nên chăng các đơn vị liên ngành cần có biện pháp mạnh, phối hợp để khởi kiện ra toà án, hay củng cố hồ sơ về doanh nghiệp nợ chế độ BHXH để cung cấp cho cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định của bộ luật hình sự” - ông Hoàng Văn Tuân kiến nghị.
Không thể có “ưu đãi” khi doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi NLĐ
Ông Nguyễn Thế Lập - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị - nói rằng, để thu hút các dự án và hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Quảng Trị đã có những ưu đãi đầu tư. Còn trong quá trình hoạt động, nếu doanh nghiệp đụng chạm đến quyền lợi của NLĐ thì cần thiết phải xử lý, chứ không thể có “ưu đãi”.
Ông Nguyễn Thế Lập dẫn chứng, như ở vụ việc Công ty Cổ phần May Quảng Trị nợ lương, nợ BHXH của NLĐ đã kéo dài, đến khi LĐLĐ tỉnh Quảng Trị và các đơn vị liên quan tổ chức đối thoại, thì doanh nghiệp hứa sẽ giải quyết ngay chế độ cho NLĐ nhưng chỉ hứa chứ không thực hiện. Khi tổ chức Công đoàn muốn đứng ra để làm các thủ tục khởi kiện, hoặc đề nghị công an vào cuộc, thì không thực hiện được, vì lý do chưa bị xử phạt hành chính.
“Sai phạm kéo dài như vậy, các đơn vị liên quan đều nắm rõ, nhưng không ai xử phạt vi phạm hành chính, vậy tổ chức Công đoàn làm sao khởi kiện, cơ quan công an làm sao khởi tố” - ông Nguyễn Thế Lập nói.
Vì vậy, ông Nguyễn Thế Lập đề nghị BHXH tỉnh Quảng Trị khi phối hợp với liên ngành đi kiểm tra, thanh tra, nếu thấy doanh nghiệp vi phạm thì kiên quyết đề xuất xử lý. “Chúng ta đồng hành với doanh nghiệp, về ưu đãi đầu tư, còn vi phạm quyền lợi của NLĐ là không thể, không thể “ưu đãi” về vấn đề này” - ông Nguyễn Thế Lập khẳng định.
Ông Phan Văn Sơn - Phó Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra BHXH tỉnh Quảng Trị - cho hay, quá trình thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, nếu phát hiện doanh nghiệp có sai phạm lớn về BHXH thì xử phạt ngay, còn sai phạm nhỏ thì cho khắc phục, “cứng đầu mới xử lý”. “Việc chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để khởi tố thì khó khăn, vì các doanh nghiệp thường chậm đóng BHXH chứ không phải là không đóng. Nếu trây ỳ thì mới xử phạt vi phạm hành chính” - ông Phan Văn Sơn thông tin.
Còn theo ông Mai Thanh Bình - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Trị, BHXH tỉnh Quảng Trị đã và đang có các biện pháp “mạnh” đối với các doanh nghiệp nợ BHXH. Ông Bình nói rằng, lần đầu tiên trong lịch sử gần 30 năm thành lập, BHXH tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị xử phạt hành chính với doanh nghiệp vi phạm chậm đóng BHXH, BHYT. Từ kiến nghị đó, tháng 7.2023, UBND tỉnh Quảng Trị xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Công trình 793 có trụ sở tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị 165 triệu đồng vì đã có hành vi chậm đóng BHXH, BHYT cho NLĐ.