Còn lúng túng trong việc áp dụng biện pháp xử lý
Theo chương trình lập pháp, tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới (5.2024), Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi). Trước khi luật được trình Quốc hội, nhiều đại biểu tiếp tục hiến kế các giải pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi tham gia BHXH.
Luật BHXH hiện hành quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là chậm đóng, trốn đóng BHXH. Nhưng luật hiện hành lại không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng BHXH và hành vi trốn đóng BHXH. Chính điều này đã dẫn đến khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính hoặc hình sự.
Quan tâm đến biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên - chỉ rõ, dự thảo luật lần này đã được ban soạn thảo tiếp thu và đã bỏ những nội dung sử dụng chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Theo đại biểu, việc sửa đổi như vậy là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, để tăng thêm chế tài đối với trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHXH và nâng cao hơn trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất bổ sung thêm một chế tài không được đấu thầu thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của Nhà nước, không được tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và không được hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ đào tạo học nghề cho người lao động.
Đại biểu lý giải, điều này để tăng tính răn đe đối với trường hợp người sử dụng lao động cố tình trốn tránh đóng, chậm đóng BHXH, trừ những lý do khách quan.
Cần quy định rõ thời gian trốn đóng BHXH
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho rằng, Điều 36 dự thảo Luật BHXH đã phân định rõ hai hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, tại Điều 37 dự thảo luật quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc thì đóng chậm hay trốn đóng đều xử lý vi phạm như nhau.
Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung biện pháp xử lý đối với hai hành vi vi phạm này cho phù hợp. Đồng thời, cần quy định rõ thời gian chậm đóng bao lâu sẽ được xem là trốn đóng BHXH.
Theo đại biểu Trần Văn Khải, không cần phân biệt thế nào là chậm đóng BHXH, thế nào là trốn đóng BHXH mà chỉ cần quy định khái niệm chậm đóng bảo hiểm bao nhiêu lâu, bao nhiêu lần, đồng thời quy định chế tài về hành chính, kinh tế… để xử lý vi phạm chậm đóng BHXH theo số lần vi phạm.
Đối với trốn đóng bảo hiểm, đại biểu đề nghị, nên được xây dựng thành quy định tội phạm mới bổ sung vào Bộ luật Hình sự (như tội trốn thuế) và có chế tài hình sự riêng. Có như vậy mới xử lý đúng, trúng, nhanh, phù hợp với từng mức độ vi phạm trong trách nhiệm đóng BHXH.
Cùng quan điểm, luật sư Trần Sỹ Tiến - Giám đốc Công ty Luật Hà Nội VDT - cho biết, trình tự tố tụng trong các vụ việc liên quan đến chậm nộp hoặc trốn đóng BHXH cũng là một hạn chế.
Hiện nay, việc khởi kiện dân sự doanh nghiệp chậm đóng BHXH ra Tòa án Nhân dân phức tạp về thủ tục và còn nhiều vướng mắc do chưa đầy đủ quy định hướng dẫn.
Việc chuyển những hồ sơ vụ việc về trốn đóng BHXH sang cơ quan điều tra hình sự để tiến hành điều tra, khởi tố vẫn còn nhiều bất cập về tổ chức thực hiện. Do đó, cần tiếp tục rà soát dự thảo luật để có công cụ bảo vệ người lao động.