Thảo luận tại hội trường về các nội dung cải cách tiền lương chiều 26.6 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội) cho rằng Chính phủ đề xuất tăng mức lương cơ sở 30% từ 1.7.2024 là hợp lý, khả thi và có thể thực hiện được ngay trong thời gian tới, trong khi chờ Chính phủ tiếp tục nghiên cứu toàn diện, thấu đáo chính sách cải cách tiền lương đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách.
Theo đại biểu, việc tăng lương cơ sở đối với công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khu vực công từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng; bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản đã đáp ứng một phần mong mỏi của cử tri.
“Nhưng do chưa áp dụng chính sách cải cách tiền lương, nên vẫn tiếp tục áp dụng thang bảng lương, chế độ phụ cấp như hiện hành, nên một bộ phận công chức, viên chức khu vực công, trong đó có công chức, viên chức ngành giáo dục vẫn còn nhiều tâm tư và băn khoăn” - đại biểu bày tỏ.
Đại biểu cho biết, chính sách tiền lương đối với nhà giáo đã được nêu trong Nghị quyết 29, đó là lương giáo viên được ưu tiên cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, sau 11 năm, điều này vẫn nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai.
Đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng, trong thời gian qua, các nhà giáo vẫn luôn cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; luôn động viên nhau hãy chờ đợi và hy vọng. Đây không chỉ là vấn đề về tiền lương với nhà giáo mà còn thể hiện sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo - nghề được coi là cao quý nhất trong những nghề cao quý như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói.
“Tuy nhiên đến thời điểm hiện này, các nhà giáo vẫn tiếp tục điệp khúc “câu đợi câu chờ” cho đến khi có chính sách cải cách tiền lương mới ban hành” - đại biểu nói.
Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị khi nghiên cứu chính sách cải cách tiền lương tới đây, cần thể chế hóa chủ trương của Đảng bằng luật hoặc văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp nghề với các nhà giáo.
Về nguồn kinh phí khi triển khai thực hiện điều chỉnh tăng lương, đại biểu cho biết, có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập về lĩnh vực giáo dục và y tế đang thực hiện tự chủ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không đảm bảo được nguồn để tăng lương cho cán bộ, viên chức tới đây.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo hướng dẫn để các đơn vị tự chủ, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu không đảm bảo nguồn để chi tăng lương thì được bù đắp và có nguồn bù đắp.
Ngoài ra, đối với việc xây dựng hoàn thiện vị trí việc làm để thực hiện chính sách tiền lương, hiện nay các bộ ngành địa phương đã phê duyệt đề án vị trí việc làm nhưng vẫn còn mang tính hình thức, còn thiếu rất nhiều ngành nghề dẫn đến khó khăn cho các đơn vị triển khai thực hiện.
Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ ngành bổ sung danh mục vị trí việc làm theo lĩnh vực quản lý của bộ ngành mình, lấy ý kiến rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị, tổ chức, cá nhân để hoàn thiện.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cũng cho rằng, hiện nay, nhiều bộ ngành, địa phương đã phê duyệt đề án vị trí việc làm. Tuy nhiên, theo báo cáo còn nặng về hình thức, chưa đảm bảo tính đồng bộ tương đồng, chưa đủ điều kiện để có thể thông qua lương mới. Vì vậy, Chính phủ trình tiếp tục thực hiện theo lộ trình tăng mức lương cở sở, lương hưu, phụ cấp, các chế độ chính sách khác là rất cần thiết.
Đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị Chính phủ có chỉ đạo ổn định giá cả thị trường, chống lạm phát, nhất là những mặt hàng tiêu dùng không thể để "té nước theo mưa" của thị trường. Bởi khi mỗi lần Nhà nước tăng lương cơ sở thì thị trường tăng giá theo, ảnh hưởng đến đời sống của đông đảo người dân lao động, có thu nhập thấp.