Chiều 17.10, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đối thoại với thanh niên năm 2022. Đây là lần đầu tiên Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu đối thoại với thanh niên. Hàng loạt câu hỏi liên quan đến lao động, việc làm, môi trường, giáo dục, công nghệ thông tin, phát triển kinh tế xã hội… được các bạn trẻ gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh.
Nói chuyện tâm tình với thanh niên, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tâm tư: "Tình trạng nhiều thanh niên cần việc làm mà cán bộ Đoàn đặt ra là rất đáng buồn cho ĐBSCL nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng".
Theo ông Thiều, hàng năm có trên 60.000 người dân Bạc Liêu trong độ tuổi lao động phải đi các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, nơi có các khu công nghiệp lớn để lao động, tìm việc.
"Họ rời khỏi quê mà đi, cuối năm về, làm dư vài triệu đồng xài Tết hết rồi đi nữa, rất đau lòng. Có nhiều người nuôi tôm, cua thất bại cũng đi. Do đó, quản lý nhà nước phải làm sao tạo công ăn việc làm để giữ chân họ", ông Thiều trăn trở.
Chủ tịch Bạc Liêu thẳng thắn, tỉnh này không có nhiều khu công nghiệp lớn, mặc dù có nhiều địa phương quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng nhà đầu tư đến rồi đi. Bởi vì, tỉnh không có cảng biển, chưa có đường cao tốc, hạ tầng còn thấp... nên nhà đầu tư cho rằng làm ra sản phẩm rồi vận chuyển rất xa tốn thêm nhiều chi phí. Do đó, thời gian tới khi có các đường cao tốc, tỉnh tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư về, từ đó tạo thuận lợi công ăn việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ.
Theo Chủ tịch Bạc Liêu, lực lượng thanh niên ra trường ngày càng nhiều, nhà nước thì tinh giản biên chế. Thanh niên ĐBSCL, trong đó có tỉnh Bạc Liêu, lại ngại đi nước ngoài dù có chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, ở các tỉnh vùng ngoài, lực lượng thanh niên đi xuất khẩu lao động rất nhiều. Họ đi có thu nhập rồi về cất nhà, làm chủ công nghệ mở cơ sở kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị các bạn trẻ cần đổi mới tư duy, nâng cao tay nghề, bởi hiện tay nghề của nhiều thanh niên còn kém, như Nhà máy điện gió ở Bạc Liêu cần kỹ sư nhưng rất khó tìm. Chỉ có công ăn việc làm thì mới xóa nghèo bền vững.