“Chờ tiền hỗ trợ thuê trọ như chờ tiền trên tivi”
Anh Quán Văn Dương (SN 1991, quê Phú Thọ) nói với PV khi được hỏi về khoản tiền này. Theo anh Dương, công ty anh yêu cầu công nhân hoàn thành thủ tục nhận hỗ trợ thuê nhà cách đây hơn 1 tháng. Sau đó, anh cũng chưa được nghe bất kỳ thông tin gì về thời gian chính xác sẽ nhận được khoản tiền này.
Gần 9 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), đã có lúc anh Dương cảm thấy rất “mệt”. Nam công nhân chia sẻ, anh cảm thấy mệt vì không thể gánh nổi nhiều khoản chi cùng một lúc như: Tiền trọ, tiện điện, nước, tiền học phí cho con… Dù có làm cật lực mỗi tháng, anh chỉ thu về được khoảng hơn 10 triệu đồng.
Được biết, vợ anh Dương cũng làm công nhân tại KCN. Song, mức lương công ty vợ anh trả rất thấp, anh Dương đã đưa vợ và hai con nhỏ về quê.
“Trung bình mỗi tháng tôi gửi về hơn 5 triệu đồng, còn lại để chi tiêu. Mọi người ở xóm trọ nấu cơm còn tôi thì cứ ra quán mua 30.000 đồng/suất cơm cho nhanh. Ngày ăn 1 bữa ở ngoài quán, 1 bữa ở công ty sẽ đỡ chi phí chi tiêu” - anh Dương tâm sự.
Cách đó không xa, chị Trịnh Thị Phi (quê Phú Thọ) đang cặm cụi nấu cơm bằng bếp củi để giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt. Mồ hôi chảy ròng ròng sau lưng áo, chị Phi cho biết, chị đã quen với việc sống chung với nóng bức vì không còn cách nào khác.
Không riêng chị Phi, nhiều công nhân trong xóm trọ này đã chuyển hẳn từ việc nấu cơm bằng bếp gas sang bếp củi. Họ tranh thủ những lúc rảnh rỗi để tăng gia sản xuất, trồng rau, nhặt nhạnh từng cành củi… tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong thời bão giá.
Số tiền hỗ trợ thuê trọ 500.000 đồng/tháng có ý nghĩa rất lớn đối với những công nhân như chị Phi.
“Với công nhân, một đồng cũng là quý. Công ty tôi thông báo việc này và tôi đã hoàn thành thủ tục cách đây gần 2 tháng nhưng đến giờ tôi chưa nhận được hỗ trợ. Nhiều công nhân khác ở công ty tôi cũng chưa nhận được”, chị Phi nói.
Cùng cảnh với anh Dương, chị Phi đã làm công nhân được 10 năm, dù có chắt bóp, chi tiêu dè sẻn hết cỡ, vợ chồng chị cũng phải gửi con về quê cho ông bà chăm nom.
“Tiền học phí 1 năm ở quê của con tôi là 2,5 triệu đồng, còn tiền học phí 1 tháng ở Hà Nội là 1,3 triệu đồng. Không chuyển con về quê thì không chịu được chi phí quá đắt đỏ”, chị Phi nói.
Với mức lương khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng, tính phụ cấp thâm niên theo năm chỉ thêm được 200.000 đồng/tháng, chị Phi cũng bày tỏ dự định sẽ làm công nhân một vài năm nữa rồi chuyển về quê.
Cố gắng hoàn tất trong tháng 8
Toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai việc xác nhận người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà.
Tính đến ngày 10.7, với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp (có mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng), cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 27.278 đơn vị với 1.767.134 lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Với người lao động quay trở lại thị trường lao động (có mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng), cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 6.771 đơn vị với 82.429 lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đoàn công tác của Bộ LĐTBXH đã làm việc UBND TPHCM và UBND tỉnh Bình Dương trong đó có nội dung về việc triển khai gói hỗ trợ. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh nêu rõ, mục tiêu là xác nhận các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ một cách nhanh chóng, đơn giản hoá thủ tục để người lao động sớm nhận được tiền hỗ trợ. Bộ này cũng yêu cầu triển khai thẩm định, giải ngân trước 15.8, từ đó tiền hỗ trợ đến tay người lao động. Qua đó, người lao động có nhìn nhận đúng đắn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về các chính sách an sinh xã hội.
Trao đổi với PV, ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho hay, vừa qua, Bộ đã thúc giục các địa phương đẩy nhanh tiến độ bằng văn bản, gọi điện trực tiếp cũng như tổ chức các đoàn công tác liên quan đến việc giải ngân gói hỗ trợ thuê nhà trọ cho người lao động. Qua đó, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ.
Bộ LĐTBXH dự kiến sẽ có 3,4 triệu lao động với số tiền giải ngân lên đến 6.600 tỉ đồng. Song, đến nay tiền hỗ trợ mới đến tay hơn 200.000 lao động. Khoảng cách giữa việc chi trả với con số dự kiến quá lớn, trong khi chính sách đã triển khai được gần 4 tháng.
Trao đổi về việc đến ngày 15.8 sẽ là hạn cuối nhận hồ sơ, liệu việc thực hiện chính sách hỗ trợ có về được đích, ông Huy cho biết, thời gian trên là hạn cuối tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Sau đó vài ngày các cơ quan liên quan sẽ thực hiện thẩm định, phê duyệt.
Theo Phó Cục trưởng Cục Việc làm, cố gắng trong tháng 8 sẽ hoàn tất, sẽ kịp giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Theo thống kê từ Bảo hiểm xã hội cho thấy đã xác nhận được hơn 2 triệu lao động được hưởng chính sách. Sau khi xác nhận xong, doanh nghiệp sẽ chuyển cho các cấp tiến hành phê duyệt. Dự kiến tháng 7, 8 là lúc “cao điểm” để thẩm định phê duyệt.
* Thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg), Bộ LĐTBXH cho biết, tính đến hết ngày 14.7, đã có 51 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ.
* Số hồ sơ Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiếp nhận được là 17.782 doanh nghiệp với 877.640 lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ là 547,5 tỉ đồng. 6.007 doanh nghiệp tương ứng 514.406 lao động đã được thẩm định và phê duyệt danh sách. Với số lao động trên, kinh phí chi trả là 348,98 tỉ đồng.
* Hiện có 2.516 doanh nghiệp với 210.904 lao động đã nhận được tiền hỗ trợ. Các tỉnh đã có giải ngân là Hà Nội, Yên Bái, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Gia Lai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang.