Như ngồi trên đống lửa
Hơn 1 tháng nay, chị Nguyễn Thị Thu Huyền (Phú Thọ) loay hoay tìm kiếm việc làm khi đã gần 40 tuổi. Ngoài lên mạng xã hội tham gia các hội nhóm tuyển công nhân, chị Huyền cũng tìm đến các khu công nghiệp như: Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội); Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội)…, song vẫn chưa thể tìm được cho mình một công việc phù hợp.
Ngày 18.7.2023, chị Huyền chính thức chấm dứt hợp đồng lao động với công ty – nơi chị đã làm việc suốt 18 năm. Trước đó, vào ngày 14.7, lãnh đạo công ty có cuộc họp với nhân viên và thông báo về việc sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với một số người. Những nhân viên lâu năm sẽ được ưu tiên và hỗ trợ 9 tháng tiền lương cơ bản.
Nếu trong đợt này, công nhân không tự xin nghỉ để hưởng mức hỗ trợ trên thì rất có thể, họ sẽ thường xuyên bị nghỉ việc hưởng 70%; hoặc chuyển bộ phận khác có ca kíp làm việc khác với mức lương thấp hơn.
“Cho đến bây giờ, tôi vẫn lăn tăn liệu quyết định này của mình có đúng không. Công ty có mọi chế độ đãi ngộ tốt và vị sếp của chúng tôi đều hỗ trợ công nhân rất nhiệt tình. Giờ nghỉ việc không biết tìm đâu công việc mới tốt như vậy” – nữ công nhân tâm sự.
Theo chị Huyền, công ty chị là một trong nhiều doanh nghiệp gặp khó sau đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Bắt đầu từ tháng 5.2022, công nhân đã không được đi làm thêm giờ.
Đến tháng 8.2022, nhiều người nhận thông báo nghỉ làm 15 ngày hưởng 70% mức lương cơ bản. Lần lượt các tháng 10,11,12 năm 2022, công nhân phân xưởng của chị đều phải nghỉ việc, hưởng 70% mức lương cơ bản. Tình trạng ít việc kéo dài đến năm 2023. Công nhân công ty này đi làm 7 ngày thì nghỉ đến 3 ngày.
Nhiều năm làm việc tại công ty, hiện nay chị Huyền phải chật vật tìm kiếm việc làm. "Công ty tuyển dụng có mức lương khá thì yêu cầu dưới 35 tuổi, trong khi tôi đã 37 tuổi. Những công ty không giới hạn độ tuổi thì lương quá thấp, khoảng 4,5 triệu đồng/tháng và chỉ tuyển công nhân thời vụ" - chị Huyền trăn trở.
Với nỗi lo trả tiền lãi ngân hàng vay tiền mua nhà là 15 triệu đồng/tháng, chị Huyền như ngồi trên đống lửa. Nếu không tìm được việc làm phù hợp, nữ công nhân tiết lộ sẽ chạy bàn hoặc rửa bát thuê để trang trải cuộc sống.
Sẽ rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Còn anh Nguyễn Duy Phương (SN 1997, quê Phú Thọ) cũng đã mệt nhoài vì phải chống đỡ mọi khoản chi với mức lương 5,6 triệu đồng/tháng. Vợ và con anh đều đã chuyển về quê ở với ông bà nội. Trước đó, vợ anh cũng làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long.
“Tiền ăn uống hàng ngày của cả gia đình rất tốn kém, chưa tính tiền tã, bỉm cho con. Nếu để con ở đây thì mọi điều kiện ăn uống cho cháu cũng không được đảm bảo” – anh Phương tâm sự.
Nam công nhân cũng cho biết, anh là một trong số ít công nhân vẫn được ở lại công ty làm việc. Nhiều người khác đã tự nguyện nộp đơn xin nghỉ việc, hưởng trợ cấp 9 tháng tiền lương cơ bản.
Theo anh Phương, giảm việc làm là tình trạng chung của nhiều công ty trong khu công nghiệp này. Với những công nhân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, họ sẽ đắn đo giữa nghỉ hay không nghỉ việc. Nhiều mối lo như chuyển đổi công ty, độ tuổi không phù hợp, lương thấp hoặc không được tăng ca.
Còn với công nhân đang có hộ khẩu ở tỉnh lẻ, nếu được nhận hỗ trợ 9 tháng lương cơ bản, chắc chắn rất nhiều người muốn tự nguyện làm đơn xin nghỉ việc.
“Có người muốn nghỉ còn không đến lượt. Công ty sẽ ưu tiên công nhân lâu lăm. Những người ở lại thì chẳng biết khi nào mình sẽ trong diện bị cắt giảm nhân sự. Nếu tình trạng giảm việc làm vẫn tiếp diễn, tôi sẽ rút bảo hiểm xã hội 1 lần để về quê, xin việc ở quê cho gần vợ con” – anh Phương tính toán.
Phương án còn lại, anh Phương mong mỏi được học nghề trước quay trở lại tìm kiếm việc làm trong thời gian đầy khó khăn này.