Gần nửa tháng nay, cứ khi nào rảnh, chị Nguyễn Thị Trang (thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) lại ra khu vực bảng tuyển dụng của Khu công nghiệp Thăng Long để tìm kiếm công việc làm công nhân.
Ngoài ra, chị cũng hay lên các nhóm Facebook trong khu công nghiệp để tìm việc làm phù hợp.
“Tuy nhiên đến thời điểm này, tôi vẫn chưa tìm được việc phù hợp” – chị Trang cho hay.
“Nhiều công ty tuyển dụng nhiều công nhân, nhưng lại làm 3 ca. Trong khi đó, tôi chỉ muốn công việc nào chỉ làm giờ hành chính” – chị Trang nói.
Chị Trang nói thêm, những người muốn tìm công việc có tăng ca để có thu nhập cao đa số là còn trẻ hoặc những lao động đã có gia đình nhưng có người trông con giúp.
Theo người mẹ 2 con này, dù biết chỉ làm giờ hành chính thì thu nhập sẽ thấp hơn, nhưng chị chấp nhận.
“Theo tính toán của tôi, thu nhập chỉ khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng. Nhưng tôi chấp nhận để có thời gian hơn cho gia đình, chăm sóc con” – theo chị Trang.
Trước đây, chị Trang đã có thời gian 3 năm làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long. Thời gian này, chị đã nếm trải những khó khăn, vất vả khi phải tăng ca, làm thêm.
Thời điểm đó, 1 tuần chị làm ca ngày, 1 tuần sau đó làm ban đêm. Như vậy, một tháng chị phải thức đêm 2 tuần để làm việc.
“Thức đêm làm việc rất hại đến sức khoẻ. Sau một thời gian làm việc, tôi cảm thấy sức khoẻ của mình suy giảm rõ rệt” – chị Trang nhớ lại.
Thời điểm 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, công ty ít việc, thu nhập giảm, chị quyết định nghỉ việc về quê, còn chồng chị vẫn bám trụ lại khu công nghiệp để làm công nhân, kiếm sống cho cả gia đình.
Gần đây, chị cùng 2 con (học lớp 1 và 1 tuổi) lên Hà Nội để sống cùng chồng trong nhà trọ tại Hà Nội.
Làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long, chồng chị Trang có mức thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, nếu có tăng ca. Nếu tháng nào không tăng ca, mức thu nhập này chỉ giảm xuống chỉ còn 5-6 triệu đồng.
“Chồng tôi phải làm ca đêm. Nếu tôi cũng làm ca đêm nữa thì không có ai trông con. Vì vậy, tôi phải tìm công việc làm trong giờ hành chính, chấp nhận thu nhập thấp” – chị Trang chia sẻ cái khó của mình.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chị Trang vẫn chưa thể tìm được công việc phù hợp với nguyện vọng. Có một số công ty tuyển công việc đúng với mong muốn của chị, nhưng lại chỉ lấy người dưới 30 tuổi.
Theo kết quả nghiên cứu của ManpowerGroup với người lao động tại Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Bắc Âu, những lao động nữ tham gia khảo sát hé lộ những mong muốn của họ về công việc trong tương lai, đó là: Cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống; được linh hoạt thời gian bắt đầu và kết thúc công việc mỗi ngày (điều này còn quan trọng hơn cả chế độ làm việc từ xa).
Ngoài ra, họ còn mong công việc ổn định, không phải lo lắng về nguy cơ mất việc; sự bình đẳng tại nơi làm việc, bất kể độ tuổi chủng tộc, giới tính…
Lao động nữ cũng mong thêm cơ hội học tập và nâng cao kỹ năng; giảm bớt số ngày cần có mặt tại văn phòng.
Theo kết quả nghiên cứu này, 35% lao động nữ sẵn sàng giảm 5% mức lương của mình để đổi lấy 4 ngày làm việc/tuần hoặc giảm 16% lương nếu được làm việc từ xa.