Chị Nguyễn Thị Thắm, sinh năm 1981, quê Nam Định. Trước khi nghỉ 4 năm ở nhà sinh liền 2 con, chị từng làm nhân viên văn phòng cho một công ty thiết bị giáo dục. Năm 2017, chị Thắm nhờ người thân xin làm kế toán cho một công ty tư nhân kinh doanh về vật tư xây dựng ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) với mức lương 6,7 triệu đồng/tháng, bao ăn trưa. Chị Thắm không thể ngờ, bữa ăn trưa ở công ty là nguyên nhân chính khiến chị nghỉ việc sau chưa đầy 1 tháng đi làm. “Tôi, 3 nhân viên bán hàng và 4 nhân viên vận chuyển cùng được 1 chị tạp vụ nấu ăn trưa tại công ty. Chúng tôi không biết giám đốc chi định mức ăn như thế nào, nhưng quả thực, với mấy nhân viên nữ, bữa ăn trưa không khác gì tra tấn” - chị Thắm nhớ lại.
Theo chị Thắm, món “kinh điển” xuất hiện 3-4 bữa trưa/tuần là thịt thủ luộc hoặc kho và thêm 1 món rau hoặc xào, hoặc luộc và lấy nước luộc làm canh, thỉnh thoảng có thêm đậu phụ. Vốn là người sợ thịt mỡ, chị Thắm rất ái ngại khi thấy bữa ăn trưa toàn thịt. “Mấy anh em vận chuyển hàng là thanh niên nên họ dễ ăn hơn. Nhóm nữ chúng tôi hầu như chỉ ăn rau và chan canh cho xong bữa. Ngày đầu tiên đi làm, nhìn mâm cơm dọn lên tôi đã thấy thất vọng, nhưng nghĩ chỉ nhỡ nhàng mới thế, không ngờ những hôm sau vẫn không khá hơn. Khi chúng tôi tế nhị nói thèm ăn cá kho, thì họa hoằn mới được đổi bữa... Thật không thể hình dung bữa ăn ca đi làm còn kham khổ hơn bữa cơm thời sinh viên nghèo khó” - chị Thắm nói.
Đi làm 23 ngày, chị Thắm quyết định xin nghỉ việc, trong đó, chất lượng bữa ăn trưa tại công ty là nguyên nhân chính. Ngoài ra, chị thấy khối lượng công việc không nhiều, khá nhàm chán; chặng đường đi làm lại là “điểm nóng” ùn tắc nên quyết định xin nghỉ. Hiện, chị làm việc cho một công ty liên doanh lĩnh vực thiết bị y tế tại Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông). Nơi làm cách nhà chưa đầy 2km, bữa trưa lại được ăn chất lượng, đảm bảo tại nhà ăn sạch sẽ của công ty khiến chị Thắm rất hài lòng.
Có thể khẳng định, việc đảm bảo chất lượng bữa ăn ca cho người lao động phụ thuộc rất lớn vào tâm thế của doanh nghiệp. Nhiều công ty đầu tư chi tiền ăn cho người lao động vì xác định người lao động khỏe thì mới có sức làm việc, cống hiến cho chính doanh nghiệp. Với tổ chức công đoàn ở cơ sở, quá trình vận động, thương lượng khéo léo sẽ giúp đoàn viên có bữa ăn đảm bảo, chất lượng, thậm chí được giám sát định kỳ.
Chị Nông Thị T - công nhân một công ty điện tử tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) - cho biết, hiện nay, suất ăn ca trong công ty là gần 30.000 đồng. “Mỗi suất ăn gồm 2 món chính, 2 món phụ, ngoài ra, công nhân có thể xin thêm một số món khác” - chị T cho hay. Chị T nêu ví dụ một suất ăn gồm thịt và cá là 2 món chính; 2 món phụ là đậu với rau. Chị T cảm thấy suất ăn như vậy là đảm bảo nhu cầu. Có được bữa ăn lành mạnh, đủ chất, theo chị T, một phần rất lớn nhờ công đoàn cơ sở vừa vận động, vừa giám sát để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Tính đến đầu năm 2022, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 7c, cả nước đã có 37.628 doanh nghiệp có CĐCS thực hiện bữa ăn ca cho NLĐ, đạt tỉ lệ 81,56% tổng số doanh nghiệp đã thành lập CĐCS (tăng 15.862 doanh nghiệp, tăng tương đương 1,72 lần so với năm 2016), với 5.290.834 NLĐ được hỗ trợ bữa ăn ca (tăng 1.011.436 người so với năm 2016). Có 35.202 doanh nghiệp thực hiện giá trị bữa ăn ca từ 15.000 đồng trở lên, đạt 93,55% (tăng 19.936 doanh nghiệp, tăng tương đương 2,36 lần so với năm 2016). Giá trị bữa ăn ca phổ biến tại các doanh nghiệp từ 16.000 đồng đến 20.000 đồng/suất ăn.
Cùng với đó, số lượng các bản thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) có nội dung bữa ăn ca của NLĐ cũng tăng lên đáng kể. Đến nay, đã có 21.457 bản TƯLĐTT được ký kết có nội dung bữa ăn ca, chiếm 57,07% tổng số bản TƯLĐTT đã ký kết, trong đó 94,03% các bản TƯLĐTT có giá trị bữa ăn ca từ 15.000 đồng trở lên (tăng 8.545 bản, tăng tương đương 1,66 lần so với năm 2016).