Chắp cánh ước mơ đại học cho công nhân

GHI CHÉP CỦA LÊ TUYẾT |

Học đại học ngay tại nơi mình đang ở, học phí được giảm ít nhất 30% và được vay vốn để đi học. Công đoàn sẽ làm việc với chủ doanh nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất về thời gian cho đoàn viên, CNLĐ được đi học…

Đó là 3 trong rất nhiều ưu tiên mà LĐLĐ TPHCM và Trường Đại học Kinh tế TPHCM chia sẻ với cán bộ CĐ, NLĐ tại buổi tư vấn tuyển sinh diễn ra vào sáng 16.4 do hai đơn vị phối hợp tổ chức. Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cho rằng: Đây là bước đầu của hành trình mang trường đại học về tận nơi ở, nơi làm việc của CN mà tổ chức CĐ muốn hướng đến, giúp NLĐ tăng cơ hội được học tập, nâng cao trình độ, nghề nghiệp.

Không bao giờ muộn để bắt đầu!

Có mặt tại Nhà văn hóa Khu công nghệ cao quận 9, nơi diễn ra buổi tư vấn tuyển sinh vào Trường Đại học Kinh tế TPHCM từ rất sớm, Bích Phương chăm chú đọc hết các tài liệu về chuyên ngành đào tạo, hình thức đào tạo mà ban tổ chức cung cấp. Chỗ nào không hiểu, Phương hỏi ngay. Bích Phương sinh năm 1993, năm 2014, Phương tốt nghiệp cao đẳng ngành quản lý môi trường nhưng “chưa kịp xin việc ở đâu cả mà đi làm CN luôn từ đó đến nay”. Quê ở Phú Yên, nhà có 5 anh chị em, bố là thương binh, sức khỏe kém, làm việc gì cũng khó nên kinh tế gia đình không khá giả. 3 anh chị lớn đã lập gia đình riêng, riêng Phương được đi học hết cao đẳng.

Phương bộc bạch: “Em học vừa xong thì em gái em vào cao đẳng. Bố mẹ lớn tuổi, không đủ sức để nuôi nữa. Thương em gái, thương bố mẹ, em nhận trách nhiệm nuôi em gái ăn học để bố mẹ an tâm. Sau khi tốt nghiệp, em không có thời gian để chờ cơ hội tìm công việc phù hợp với ngành học của mình, bởi khi đó em chỉ cần một công việc, có tiền để trang trải chi phí sắp tới cho hai chị em là đủ. Nên khi thấy Cty Nidec Servo tuyển dụng CN, em nộp đơn xin vào làm. Hai chị em ở chung phòng trọ, chị đi làm, em đi học. 3 năm rồi, em gái em vừa học xong, giờ đến lượt em đi học. Không bao giờ là muộn để bắt đầu”.

Phương đăng ký học ngành kinh tế và quản lý môi trường, với lịch học 2 buổi ban ngày, 1 buổi chủ nhật. Cô gái có khuôn mặt dễ mến, nụ cười tươi tắn, lộ vẻ quyết tâm: “Dù không làm việc đúng chuyên ngành nhưng ba năm qua, những lúc rảnh rỗi, em vẫn đọc tài liệu về ngành mình học, để khi có cơ hội học tiếp, mình không bỡ ngỡ”.

“Mình không học thì không theo kịp công nghệ, lương thấp, bị đào thải ngay” - Nguyễn Xuân Vinh, làm việc tại Cty Colusa - Miliket, điền các thông tin vào phiếu khảo sát gửi cho ban tổ chức, chia sẻ. Có lẽ Vinh là trường hợp đặc biệt hơn cả vì ham muốn được đi học của mình. 34 tuổi, từng học xong cao đẳng ngành kế toán, vừa học xong liên thông đại học chuyên ngành kế toán của Đại học Sài Gòn nhưng khi nghe LĐLĐ TP. phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM tư vấn tuyển sinh, Vinh liền đăng ký tham gia.

Trong phiếu khảo sát, Vinh nêu rõ có mong muốn được học ngành thuế hoặc quản trị bán lẻ. Vinh hào hứng, kể: “Trong hai ngành đó, ngành nào trường mở là mình học ngay bởi đây là một cơ hội không dễ gì có được”. Anh tiếp: “Trong thời gian học liên thông ở Đại học Sài Gòn, mỗi buổi học phải chạy xe máy gần 40 cây số cả đi về vào giờ cao điểm, thường xuyên bỏ thi, trễ học vì phải làm chưa xong việc ở Cty, đắn đo, suy nghĩ cả tuần liền trước một kỳ đóng học phí vì không biết đóng tiền học rồi, tiền đâu trả tiền nhà… Tất cả những khó khăn đó, mình đều vượt qua thì bây giờ, khi trường đại học xuống tận nơi mình ở, mình làm việc thì không có lý do gì để bỏ qua”.

Các bạn sẽ không một mình!

Đại diện lãnh đạo nhà trường chia sẻ tại buổi tuyển sinh, PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM dẫn lại câu chuyện của ông tổ gà rán KFC, sau khi phá sản, ở độ tuổi lục tuần, với 105USD tiền trợ cấp xã hội nhận được, Harland Sanders đã đi dọc đất nước để tìm kiếm sự hợp tác. Bị từ chối 1.009 lần nhưng ông chưa bao giờ nản chí.

“Đam mê đã giúp ông tiếp tục dấn bước ngay cả khi thất bại. Hãy bắt đầu những dự định kế hoạch của mình ngay từ bây giờ và đừng bao giờ chần chừ, bởi nếu bạn không làm, chẳng ai có thể làm thay bạn được cả. Tuy nhiên…” - ông Nhựt chậm lại một vài giây rồi nói tiếp: “Chúng tôi không thể học thay nhưng chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn hết sức mình. Tôi hiểu những cản ngại mà các bạn CNLĐ gặp phải nếu tiếp tục đi học. Các bạn nghỉ học quá lâu đủ để quên thói quen đến lớp, mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng, bó hẹp về thời gian, tài chính… Và chúng tôi đang cùng với tổ chức CĐ tháo gỡ những điều đó”.

Cán bộ CĐ, CNLĐ theo học các chương trình do Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức sẽ được trường giảm ít nhất 30% học phí so với chương trình học đại trà. Lịch học sẽ được bố trí phù hợp với nhu cầu của học viên vào các tối thứ 7, chủ nhật hoặc các buổi tối trong tuần, hoặc mỗi quý học một tháng hoặc mỗi tháng học một tuần, lớp học được mở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… để học viên không phải di chuyển xa.

Theo PGS - TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, trường sẽ phối hợp với đoàn thanh niên, hội sinh viên của trường phát động mô hình “Bạn đồng hành”, một sinh viên chính quy kèm một sinh viên là CNLĐ. Ông Nhựt bày tỏ: “Các em sinh viên theo học hệ chính quy có lợi thế là quen với công nghệ, kỹ năng tìm kiếm tài liệu, kiến thức không bị mất… sẽ hỗ trợ cho các bạn CNLĐ. Với cá nhân tôi, việc cùng nhau học tập, đồng hành với nhau để đi đến nơi về đến đích sẽ là một kỷ niệm đẹp, rất đáng để trân trọng”.

Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho biết thêm, bước đầu, LĐLĐ TP sẽ phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM mở các chương trình học như liên thông đại học vừa làm vừa học từ trung cấp, từ cao đẳng chuyên nghiệp, từ cao đẳng nghề, văn bằng hai, đại học vừa làm vừa học… với các ngành nghề như kế toán doanh nghiệp, quản trị, quản trị nguồn nhân lực, quản trị bán lẻ… Sau đó, về lâu dài, LĐLĐ TP sẽ phối hợp với một số trường đại học, cơ sở đào tạo khác mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo mới, mở lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà văn hóa lao động đáp ứng nhu cầu học tập của CNLĐ và yêu cầu thực tiễn sản xuất.

“Đây là một bước trong những công việc mà tổ chức CĐ thực hiện trong nhiệm vụ nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp cho đoàn viên, NLĐ để thích ứng với điều kiện, tình hình mới. Đặc biệt là khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thiết lập, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, lao động trong những ngành thâm dụng lao động sẽ đối mặt nhiều khó khăn hơn cả, cho nên yêu cầu tiên quyết là anh chị em CNLĐ phải thay đổi mình từ ý thức làm việc, trình độ chuyên môn…” - ông Trung nhấn mạnh.

Để tạo cơ hội tốt hơn cho CNLĐ được đi học, LĐLĐ TP sẽ chỉ đạo CĐ cấp trên làm việc với các CĐ cơ sở, chủ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về thời gian để CNLĐ được đi học. Ngoài quỹ trợ vốn CEP của LĐLĐ TP cho CN vay với lãi suất thấp để đi học, LĐLĐ TP cũng sẽ làm việc với các doanh nghiệp trích kinh phí đào tạo để tặng học bổng, hỗ trợ học phí cho anh chị em CN.

Trong hơn 300 CN đến nghe tư vấn, có những nữ CN tay còn bế con nhỏ, hoặc bụng bầu vượt mặt, cũng có cả những bạn trẻ lương chỉ vừa đủ trả tiền nhà trọ, xăng xe, bữa ăn còn nhờ vào cơm ca của Cty nhưng trên khuôn mặt ai cũng tràn đầy hy vọng. Như lời của bạn nam sinh năm 1991 Huỳnh Thanh Toàn “mình còn trẻ nên ngại gì khó. Chỉ cần bỏ bớt những sở thích như càphê, thuốc lá, tụ tập bạn bè đi, biết đầu tư đúng chỗ thì mình sẽ có được thành quả lớn hơn. Đó là khi mình có trình độ chuyên môn, cơ hội việc làm của mình cũng cao hơn, tự tin hơn dù có bất kỳ sự thay đổi nào”. 

GHI CHÉP CỦA LÊ TUYẾT
TIN LIÊN QUAN

Gia tăng hoạt động giết mổ heo lậu vào dịp Tết

Nhóm PV |

TPHCM - Mặc dù đã được Báo Lao Động nhiều lần phản ánh về tình trạng giết mổ heo lậu, sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhưng các điểm giết mổ lậu trên địa bàn phường 12, Quận Gò Vấp (TPHCM) vẫn tái vi phạm, hoạt động giết mổ heo lậu càng nhộn nhịp hơn vào những ngày cận Tết.

Người lao động xa quê: Nỗi nhớ được gói kín lại vì một tương lai tốt hơn

KHÁNH LINH - ANH TÚ |

TPHCM - Nhiều năm xa quê hương vào Nam lập nghiệp, sinh sống, đã dần quen với những cái Tết xa quê hương, thiếu đi những giờ phút quây quần sum họp ngày Tết, những người lao động xa quê luôn mang trong mình niềm khắc khoải nhớ nhà.

Tây Ninh sẽ xin xây dựng cảng hàng không và cơ chế đặc thù để phát triển

Huân Cao - Duy Tú |

Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh được xem là tỉnh đi sau trong thu hút đầu tư so với TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... Trong năm mới 2023 và những năm tiếp theo, Tây Ninh hứa hẹn sẽ có những đột phá mới trong thu hút đầu tư để "hòa nhịp" cùng với các tỉnh. Nhân dịp năm mới 2023, PV Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh xoay quanh vấn đề này.

Chi hàng triệu đồng đốt vàng mã dịp Tết: Quá lạm dụng và lãng phí

MINH HÀ |

Vào dịp Tết người dân thường có phong tục đốt vàng mã để bày tỏ sự biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Một số người thậm chí còn bỏ ra hàng triệu đồng để mua vàng mã với quan niệm "trần sao âm vậy". Theo các chuyên gia văn hóa, đốt vàng mã là một nét văn hóa của người Việt, tuy nhiên nếu quá lạm dụng sẽ gây lãng phí và nhiều hệ lụy.

Đậm đà niêu cá kho lưu giữ hương vị Tết xưa

Hải Huế |

Cứ mỗi dịp Tết đến, trên mâm cỗ, ngoài các món cổ truyền đặc trưng của ngày Tết miền Bắc như: Bánh chưng, thịt lợn, giò chả, thịt gà… thì hầu như nhà nào cũng có thêm món cá kho trong mâm cỗ mới được xem là đủ đầy.

Cùng ăn Tết Nguyên đán, các nước này không đón năm Quý Mão

Vân Anh |

Năm 2023 ở Việt Nam là năm Quý Mão, nhưng tại các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... lại là con giáp khác, với nhiều nét văn hóa thú vị.

Thói quen ăn uống ngày Tết: Làm sao để cân đối, tránh tăng cân?

Thanh Chân - Ngọc Lê |

Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Các gia đình sẽ chuẩn bị nhiều món ăn ngon, giàu năng lượng cùng với những buổi tiệc với mật độ dày hơn những ngày thường. Do đó, thói quen ăn uống trong dịp Tết sẽ bị thay đổi, tuy chỉ vài ngày nhưng cũng góp phần làm ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể.

Điểm lại dàn nghệ sĩ gắn bó suốt 20 năm Táo Quân

Linh Chi - Dương Anh |

Trước khi Táo Quân 2023 lên sóng hãy cùng điểm lại những gương mặt đã "dành cả thanh xuân" để gắn bó và đem lại tiếng cười cho khán giả.