Chiều ngày 4.8, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Công đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát thực trạng và giải pháp”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra thực trạng và kiến nghị giao quyền chủ động kiểm tra, giám sát cho tổ chức công đoàn để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Mặc dù quy định hiện hành ghi nhận quyền giám sát của tổ chức công đoàn, tuy nhiên chưa hoàn toàn thống nhất trong việc ghi nhận quyền giám sát của tổ chức công đoàn trên phương diện là một “quyền tham gia” (phối hợp, bị động) hay là “quyền độc lập” (chủ động).
Góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cường - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức cho rằng, trong thực tiễn, tổ chức công đoàn nhìn thấy những vấn đề xảy ra tại các doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.
Ví dụ việc ký hợp đồng lao động, nội dung trong hợp đồng không đầy đủ, không cụ thể, rõ ràng, ngay cả việc chấm dứt hợp đồng cũng không đúng quy định, không xây dựng thang bảng lương, không thực hiện chế độ nâng bậc lương, chậm thanh toán, nợ tiền lương của người lao động… Tuy nhiên, tổ chức công đoàn không thể đơn phương giải quyết vấn đề đó mà phải thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra cũng phải có kế hoạch, đến lúc có lịch thanh, kiểm tra thì quyền lợi của người lao động đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một số đại biểu kiến nghị giao quyền chủ động kiểm tra, giám sát cho tổ chức công đoàn để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, công đoàn nên giữ vai trò tham gia kiểm tra, giám sát, không nên là một chủ thể kiểm tra, giám sát. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật lao động để kịp thời bảo vệ quyền lợi của người lao động.