Cạn tiền vì COVID-19, công nhân năn nỉ chủ nhà cho nợ tiền thuê trọ

Hân Tùng Anh |

Tạm dừng việc hoặc giảm thu nhập do dịch COVID-19, nhiều công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đang lâm vào tình cảnh khốn đốn. Nhiều người phải xin chủ nhà trọ cho khất tiền thuê phòng trọ.

Công nhân xin khất tiền thuê nhà trọ

Giàng Thị C. cùng hai người bạn đang thuê trọ một căn phòng chỉ tầm 8m2 tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Khu trọ này hầu hết đều là những thanh niên người dân tộc vùng cao, rời ruộng nương xuống Hà Nội làm công nhân được 1 năm.

Chiều 21.4, Giàng Thị C. tiếp chuyện chúng tôi trong căn phòng bé xíu, nhưng khá ngăn nắp, sạch sẽ. Căn phòng không có đồ đạc gì đáng giá, chỉ có 1 chiếc giường; 1 chiếc giá để treo quần áo; 1 chiếc gương làm điệu cho con gái; 1 chiếc quạt, 1 giá sách nhỏ.

Phòng trọ không có nhà vệ sinh riêng, không có chỗ để nấu nướng. Chiếc giường khá nhỏ nhưng 3 người con gái phải nằm chung. “Mùa đông thì còn đỡ, chứ mùa hè chật chội nên rất nóng, khó chịu”, Giàng Thị C. cho hay. Em thường xuyên bận bộ đồ cầu thủ bóng đá tại nhà – mà theo giải thích của em – là mọi người ở đây, kể cả con gái hay mặc như này để cảm thấy mát hơn, dễ chịu hơn.

Sinh năm 1999, quê tại huyện Phong Thổ, Lai Châu, Giàng Thị C. đang làm công nhân tại một công ty điện tử trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Giàng Thị C. bảo nhà mình rất nhiều nương, nhưng ở nơi hẻo lánh nên cuộc sống rất khó khăn. Học xong cái chữ, Giàng Thị C. xuống miền xuôi để làm công nhân.

“Những tháng trước, thu nhập của em là 6 triệu đồng/tháng. Để có được mức tiền này, em phải làm thêm, tăng ca cả thứ 7, chủ nhật. Thu nhập này chỉ đủ để em trang trải sinh hoạt hàng ngày và gửi một chút về nhà để hỗ trợ gia đình. Từ khi xảy ra dịch, công ty ít việc đi, chỉ làm hành chính vào các ngày trong tuần nên thu nhập của em giảm xuống chỉ còn 4 triệu đồng/tháng”- Giàng Thị C. kể.

Số tiền 4 triệu đồng thu nhập tháng 2 mà Giàng Thị C. nhận đã là từ ngày 18.3; còn lương tháng 3 em chưa nhận được nên không biết là sẽ được bao nhiêu. Cuộc sống của công nhân xa nhà vốn đã thiếu thốn, nay lại càng chật vật hơn khi lương giảm.

Một cặp vợ chồng công nhân đang thuê trọ tại thôn Nhuế (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Ảnh: Sơn Tùng.
Một cặp vợ chồng công nhân đang thuê trọ tại thôn Nhuế (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Ảnh: Sơn Tùng.

“Thu nhập giảm như vậy khiến em không có đủ tiền mà tiêu. Tiền lương tháng trước em đã tiêu hết rồi, hiện giờ trong tay em hầu như không còn đồng nào nữa. Thời điểm này đáng lẽ bọn em phải đóng tiền thuê nhà cho tháng 5 rồi, nhưng do hết sạch tiền, nên bọn em đành phải năn nỉ chủ nhà cho khất nợ, đợi đến khi nào nhận lương rồi trả. Cũng may là bọn em ở đã lâu, chủ nhà cũng tốt tính nên đã đồng ý cho bọn em khất nợ”, Giàng Thị C. chia sẻ.

Tiền thuê nhà thực ra không phải là khoản tiền lớn. Căn phòng có giá thuê 600.000 đồng/tháng, 3 người ở nên mỗi người chỉ phải chịu 200.000 đồng/tháng. Tuy nhiên khi mà trong tay Giàng Thị C. và các bạn trọ cùng đã gần cạn tiền, trong khi còn bao chi phí khác phải tiêu (như ăn uống hàng ngày), thì đó là con số khá lớn.

Bên cạnh tiền nhà, mỗi tháng, mỗi người trong phòng trọ này phải trả khoảng 80.000 đồng tiền điện, nước. Ăn, uống thì mọi người tự mua thực phẩm về nấu. Giàng Thị C. cho hay, là con gái nên ai cũng muốn mua nhiều đồ về để chế biến cho nhiều món, được ăn ngon hơn một chút, nhưng thời gian này, do cạn tiền, nên mỗi lần đi chợ em không dám mua nhiều, chỉ dám mang về bìa đậu, quả trứng, mớ rau để sống qua ngày thôi.

“Bình thường bọn em hay mua gạo. Mà bọn em ăn khỏe lắm. Như em bữa phải ăn 3 bát cơm. Vì vậy, tiền mua gạo cung chiếm đáng kể trong chi phí của cả phòng trọ. Thời gian vừa rồi, thực sự là bọn em cái gì cũng thiếu thốn, trong đó có gạo”, Giàng Thị C. kể.

Đang trong lúc thùng gạo cạn kiệt, nghe có chương trình phát gạo miễn phí bên Khu nhà ở xã hội xã Kim Chung, Giàng Thị C. nhờ cậu bạn hàng xóm chở đến nơi. Em được phát cho 2 kg. Giang Thị C. nói: “Bọn em ăn khỏe, hơn nữa lại nấu cả ba bữa sáng-trưa-tối nên số gạo này chắc chỉ đủ 1-2 ngày thôi. Nhưng đây là nguồn thực phẩm kịp thời để bọn em đỡ khó khăn hơn, chờ đến lúc có đồng lương”.

Cả hai vợ chồng công nhân phải nghỉ việc

Tại chương trình ATM gạo miễn phí do Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) tổ chức, chiều 21.4, chúng tôi gặp chị Lê Thị Thu Hiền – công nhân một công ty cơ khí tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Nhận xong túi gạo, tay dắt theo cậu con trai tầm 6 tuổi, Hiền vội vã ra nơi gửi xe máy để về nhà. Khi được hỏi, Hiền giải thích: “Nghe nói chiều nay có phát gạo miễn phí, nên em phải gửi tạm đứa nhỏ cho hàng xóm trông rồi tranh thủ chạy ra đây. Bây giờ lấy xong rồi thì phải nhanh nhanh chóng chóng về vì mình chỉ nhờ họ được một chút thôi”.

Chị Hiền và chồng cùng quê ở Hà Nam. Hai vợ chồng cùng làm công nhân tại một công ty cơ khí, trọ tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh. Một tháng nay, do dịch COVID-19, hai vợ chồng phải tạm ngừng việc theo quyết định của công ty, “chỉ toàn ăn và chơi ở phòng trọ”- như lời chị Hiền nói. Do không đi làm trong khi mọi khoản khác vẫn phải chi như bình thường nên hiện anh chị chỉ còn vài trăm nghìn đồng trong túi.

Khi được hỏi tại sao không về quê tạm lánh thời gian này cho đỡ tốn kém, chị Hiền giải thích: “Kể ra về quê thì cũng đỡ hơn một chút về chi phí ăn uống, nhưng thời gian vừa rồi muốn về cũng không được vì không có xe, hơn nữa, nhà tôi tuân thủ theo đúng chỉ thị về cách ly xã hội “ai ở đâu, ở yên đấy” để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh”.

Công nhân đứng chờ để nhận gạo miễn phí từ chương trình ATM gạo do UBND huyện Đông Anh tổ chức chiều 21.4. Ảnh: Sơn Tùng.
Công nhân đứng chờ để nhận gạo miễn phí từ chương trình ATM gạo do UBND huyện Đông Anh tổ chức chiều 21.4. Ảnh: Sơn Tùng.

Bình thường, thu nhập của anh chị được khoảng 6 triệu đồng/người, gọi là tạm đủ để trang trải cho cuộc sống xa quê của cặp vợ chồng trẻ với 2 con đang tuổi ăn học tốn kém. Và vì vậy, dù đã làm công nhân nhiều năm, nhưng hai anh chị gần như không dành dụm được đồng nào để phòng thân. Tháng vừa rồi, do công ty tạm ngừng việc, cả hai anh chị phải nghỉ ở nhà. Các con cũng đang nghỉ học nên mặc dù nghỉ làm ở nhà, nhưng anh chị khá vất vả khi phải trông 2 con.

“Công ty mới thông báo nghỉ thôi chứ chưa nói trả lương như thế nào. Đến hôm nay tôi chưa nhận được lương nên chưa biết sẽ được bao nhiêu, nhưng tôi đoán chắc là chỉ được 70% lương so với tháng trước thôi”- chị Hiền phỏng đoán.

Tiền lương chưa có (mà nếu có thì chắc chắn sẽ giảm so với trước), trong khi đó, do thuê phòng rộng cho cả gia đình sống nên tiền nhà anh chị phải trả lên tới 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tiền nước, tiền điện hết khoảng 300.000-400.000 đồng/tháng nữa.

“Trước đây, khi đi làm bình thường, hai vợ chồng còn được bữa ăn trưa ở công ty nên đỡ tiền ăn hơn. Bây giờ thì không đi làm nên gia đình phải mất thêm một bữa ăn trưa nữa, lại thêm phần tốn kém”, chị Hiền chia sẻ và cho biết thêm, túi tiền của hai vợ chồng hiện đang cạn, mấy ngày nữa chắc chắn phải vay mượn bạn bè để chờ đến khi có lương. Thùng gạo nhà chị cũng gần cạn, chắc chỉ được 1,2 bữa nữa. Những hạt gạo miễn phí mà chị nhận được là rất quý, tuy vậy, cũng chỉ giúp gia đình chị - với 4 thành viên - được 2 ngày ăn mà thôi.

Một phòng trọ của công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh chụp chiều 22.4. Ảnh: Sơn Tùng.
Một phòng trọ của công nhân tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh chụp chiều 22.4. Ảnh: Sơn Tùng.

“Vừa rồi, hai vợ chồng xin chủ nhà cho khất tiền thuê trọ tháng này, đợi đến khi có lương sẽ trả. Cũng may mà chủ nhà trọ đồng ý. Nhưng hai vợ chồng cũng phải một phen muối mặt. Bây giờ chỉ mong sớm nhận được đồng lương để trả cho người ta”- chị Hiền chia sẻ.

Hân Tùng Anh
TIN LIÊN QUAN

Vĩnh Phúc: Nhiều hộ cam kết giảm giá nhà trọ 20-50% cho công nhân

Trương Hạnh- Bảo Hân |

Đoàn công tác của Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc và các đoàn thể chính quyền phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vừa vận động các chủ nhà trọ tại phường này giảm giá nhà trọ để chia sẻ với công nhân trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra.

Thêm nhiều chủ nhà trọ giúp công nhân vượt khó

Ngọc Ánh - Thiệu Vũ |

Với sự vận động của Công đoàn cũng như phát huy tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn cả nước đã giảm 50% giá thuê nhà trọ, thậm chí là 100% cho công nhân lao động phải nghỉ việc không lương do dịch COVID-19.

Công đoàn hỗ trợ kịp thời công nhân khu nhà trọ và giáo viên

Ngọc Ánh |

Nhằm động viên kịp thời người lao động (NLĐ) đang khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chiều 9.4, Thường trực LĐLĐ TP.Hà Nội đã đến thăm, tặng quà cho NLĐ khu nhà trọ thị trấn Quang Minh (Mê Linh) và giáo viên Trường Mầm non ngoài công lập Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm).

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Vĩnh Phúc: Nhiều hộ cam kết giảm giá nhà trọ 20-50% cho công nhân

Trương Hạnh- Bảo Hân |

Đoàn công tác của Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc và các đoàn thể chính quyền phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vừa vận động các chủ nhà trọ tại phường này giảm giá nhà trọ để chia sẻ với công nhân trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra.

Thêm nhiều chủ nhà trọ giúp công nhân vượt khó

Ngọc Ánh - Thiệu Vũ |

Với sự vận động của Công đoàn cũng như phát huy tinh thần tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn cả nước đã giảm 50% giá thuê nhà trọ, thậm chí là 100% cho công nhân lao động phải nghỉ việc không lương do dịch COVID-19.

Công đoàn hỗ trợ kịp thời công nhân khu nhà trọ và giáo viên

Ngọc Ánh |

Nhằm động viên kịp thời người lao động (NLĐ) đang khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chiều 9.4, Thường trực LĐLĐ TP.Hà Nội đã đến thăm, tặng quà cho NLĐ khu nhà trọ thị trấn Quang Minh (Mê Linh) và giáo viên Trường Mầm non ngoài công lập Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm).