Gần 50 cán bộ công đoàn là Chủ tịch LĐLĐ quận, huyện, CĐ ngành, sở, khối trực thuộc LĐLĐ TPHCM đã tham gia Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (dự thảo) do LĐLĐ TPHCM tổ chức ngày 3.3.
Nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo đã đánh giá dự thảo đã có nhiều quy định khắc phục được những bất cập trong Luật Đất đai 2013, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản…
Một số ý kiến góp tại hội nghị đã đề nghị cần bổ sung quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có việc thu hồi đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân ở ngoài các khu công nghiệp thuê hoặc mua.
Vì hiện nay nhiều doanh nghiệp có đông lao động nhưng không nằm trong khu công nghiệp.
Thực tế thời gian qua, mặc dù chủ trương xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, mua được đề cập nhiều, nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu, trong đó có nguyên nhân việc thu hồi đất còn gặp nhiều khó khăn, giá đất cao.
Có ý kiến đề nghị bỏ quy định bồi thường quyền sử dụng đất bằng lợi ích vật chất khác khi Nhà nước thu hồi đất vì quy định như vậy rất trừu tượng và rất khó thực hiện trong thực tiễn. Chưa kể, chính trong dự thảo quy định về nguyên tắc bồi thường về đất là việc Nhà nước bồi thường bằng việc giao đất hoặc bằng tiền, chứ không quy định hoặc bằng lợi ích vật chất khác.
Một vấn đề được nhiều đại biểu nêu ý kiến đó là trong Luật Đất đai hiện hành và cả dự thảo đều có quy định việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư và người dân bị thu hồi đất phải có cuộc sống tốt hơn, nhưng thực tế thời gian qua chưa đáp ứng được quy định này.
Nhiều người bị thu hồi đất đã bàn giao nhà, đất nhưng chưa được bố trí tái định cư, cuộc sống không tốt hơn cả về vật chất lẫn môi trường sống. Do đó, cần cân nhắc quy định trong dự thảo vì nếu không thực hiện được thì lại rất khó cho chính quyền địa phương khi vận động người dân có đất bị thu hồi.
Có ý kiến còn cho rằng, khi họp các cơ quan để quyết định giá đất sẽ được bồi thường khi thu hồi đất thì không có đại diện các đoàn thể để biết.
Nhưng khi cưỡng chế thu hồi đất, thì chính quyền địa phương lại huy động cán bộ đoàn thể có thành viên bị thu hồi đất ra thuyết phục thành viên của mình.
Chính vì thế, đoàn viên không có cảm tình với đại diện đoàn thể đó, gây mâu thuẫn, giảm lòng tin với đoàn thể.
Bà Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cho biết sẽ tiếp thu, chọn lọc các ý kiến đóng góp xác đáng, phù hợp với quy định chung để tổng hợp báo cáo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, sửa đổi.